Hóa ra Gia Cát Lượng không phải họ "Gia Cát", bí mật được hé lộ sau khi Lưu Bị qua đời
Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, người Lang Nha, hậu nhân của Hán triều Tư Lệ Hiệu Úy Gia Cát Phong. Đây là phần giới thiệu ngắn gọn của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Câu nói tiết lộ bí ẩn về Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng còn có một người anh trai là Gia Cát Cẩn, em trai Gia Cát Quân, ba người đều thuộc họ Gia Cát. Thế nhưng năm 223 SCN, sau khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện đã nói một câu hé lộ bí ẩn trong họ của Gia Cát Lượng. Thì ra Gia Cát Lượng không phải họ Gia Cát, mà đúng hơn phải là họ Cát, Cát Lượng mới là tên thật của ông.
Gia Cát Lượng không phải họ Gia Cát.
Nguyên nhân của sự việc bắt đầu từ khi Lưu Bị bệnh qua đời ở Bạch Đế thành. Dựa theo thông lệ thời bấy giờ, năm Hoàng đế qua đời không thể sửa đổi niên hiệu. Nói cách khác, năm 223 là năm Chương Vũ thứ ba, niên hiệu mới do tân quân lên ngôi phải bắt đầu được tính từ năm 224. Nhưng Lưu Bị vừa qua đời vào tháng 4, đến tháng 5, Lưu Thiện đã đổi niên hiệu thành Kiến Hưng Nguyên Niên.
Theo lý thuyết, đây là bất kính lớn đối với Tiên hoàng, nhưng Lưu Thiện nhất định phải làm như vậy. Quần thần dưới trướng cũng không thể chống đối nên đành phải làm theo ý chỉ của Lưu Thiện. Cửa ải quần thần rất dễ qua, nhưng Gia Cát Lượng lại không dễ dàng như vậy. Lưu Thiện nói với Gia Cát Lượng một câu: “Chính do Cát thị, tế tắc quả nhân”.
Gia Cát Lượng làm tướng phụ của Lưu Thiện nhiều năm như vậy, chẳng lẽ Lưu Thiện không biết Gia Cát Lượng họ gì? Điều này hẳn là không thể.
Chẳng lẽ Lưu Thiện đã nói sai? Nhưng sự kiện này được ghi chép lại trong chính sử “Ngụy Lược”. Sử sách đều phải lưu truyền thiên cổ, cho dù Hoàng đế nói sai, sử quan cũng sẽ thay đổi, nhưng lần này sử quan cũng không thay đổi, mà là ghi chép lại y nguyên. Như vậy, theo lời Lưu Thiện, Gia Cát Lượng vốn họ Cát, Lưu Thiện thể hiện sự tôn trọng với Gia Cát Lượng, cố ý dùng họ tổ tiên của ông.
Anh em nhà Gia Cát Lượng đều họ Gia Cát, cho nên không phải họ này được thay đổi ở thế hệ của ông, mà rất lâu từ trước, gia tộc Gia Cát vì một nguyên nhân nào đó mà đã thay đổi họ.
Quay trở lại thời tổ tiên của Gia Cát Lượng là Lang Nha Dương Đô (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông, Trung Quốc). Lang Nha từng xuất hiện một vị tướng lĩnh anh dũng trong thời tiền Tần - Cát Anh. Trong Sử Ký - Trần Thiệp Thế Gia của Tư Mã Thiên có ghi chép một câu rất nổi tiếng: "Cát Anh đến Đông thành, lập Tương Vương làm Sở vương... Đến Trần, Trần vương tru sát Cát Anh". Cát Anh vì công lao quá lớn, bị Trần Thiệp sát hại. Nhưng công lao của ông không vì thế mà bị chôn vùi, sau khi nhà Hán thành lập, Lưu Bang phân phong nghĩa sĩ chống Tần, phong Cát Anh làm Gia huyện hầu.
Gia Cát Lượng chính là hậu nhân của Cát Anh.
Hậu nhân của Cát Anh khi giới thiệu bản thân thường tự xưng là "Gia huyện chi Cát" (họ Cát đến từ huyện Gia) để phân biệt mình và họ Cát khác. Theo thời gian, hậu nhân của Cát Anh đơn giản gọi mình là "Gia Cát". Mà Gia Cát Lượng chính là hậu nhân của Cát Anh.
Lưu Thiện không phải là người ngu xuẩn như miêu tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa hay Cao Tổ Bản Kỷ. Ngược lại, Lưu Thiện thích đọc sách sử, đương nhiên biết rõ lai lịch của tổ tông Gia Cát Lượng. Cho nên vì muốn làm nổi bật bản thân tôn trọng Gia Cát Lượng, cố ý nói ra "Chính do Cát thị, tế tắc quả nhân". Tức nói cho Gia Cát Lượng biết rằng: “Ngài lo chuyện trị quốc, ta lo chuyện tế tự”.
Lúc này, Lưu Thiện vừa mới nếm được chút mùi vị quyền lực, đương nhiên muốn làm gì thì làm, từ lâu đã bị Lưu Bị và Gia Cát Lượng chèn ép. Nhưng tùy tiện thay đổi niên hiệu quả thực không hợp lý, cho dù Lưu Bị qua đời vào ngày mùng 1 năm mới thì cả năm 223 cũng phải là Chương Vũ năm thứ ba. Lưu Thiện đổi niên hiệu thành Kiến Hưng Nguyên Niên vào tháng 5, thật ra là đang nói khéo với Gia Cát Lượng rằng: "Chủ công mới của ngươi là ta, không phải Lưu Bị".
Gia Cát Lượng chỉ có thể cười khổ chấp nhận, năm 223 e là năm Gia Cát Lượng nhẫn nhịn nhất trong đời, đi theo chủ công 16 năm, tân Hoàng đế tràn ngập thù địch với mình. Ngũ Hổ thượng tướng chỉ còn lại một mình Triệu Vân, loại cảm giác thất bại này không phải ai cũng thấu hiểu được.
Vì sao phải đổi họ?
Nhiều người có lẽ sẽ thắc mắc, vì sao người xưa lại đổi họ, đây không phải là sự bất kính với tổ tiên sao? Thật ra, phía sau có ba nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, để tránh họa. Sau khi Kinh Kha (môn khách của Thái tử Đan nước Yên) ám sát Tần vương không thành, Tần Thủy Hoàng ồ ạt tàn sát thành đô nước Yên, hậu nhân của Điền Quang được liệt vào danh sách truy nã hàng đầu. Những người này vì tránh sự truy bắt, đổi họ thành "Quang".
Thứ hai, căn cứ vào phong địa. Ví dụ như Lữ Công Vọng, tên thật là Khương Tử Nha, vì có công trong trận Vũ vương phạt Trụ nên được phong địa ở Lữ, vì thế đặt Lữ thành họ của mình.
Thứ ba, họ hợp thành, chính họ của Gia Cát Lượng như đã nói ở trên. Vì Dương Đô vốn đã có người họ Cát, hậu nhân của Cát Anh cố ý gọi mình là "Gia huyện chi Cát", ý chỉ gia tộc họ Cát từ huyện Gia chuyển đến Dương Đô sinh sống.