Hôm nay và ngày mai cảm giác nóng ngột ngạt: Chuyên gia dự báo thời tiết chỉ rõ nguyên nhân!
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về hạn hán, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và sinh kế, vừa đưa ra cảnh báo: Ngày 13 và 14/6 khí áp khu vực Hà Nội và vùng lân cận giảm xuống thấp, cảm giác nóng ngột ngạt.
Khí áp giảm xuống thấp đột ngột
Cụ thể, không chỉ có Hà Nội, khí áp tại một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình sẽ giảm xuống mức 998hPa và 998hPa (So với khí áp thông thường và tốt cho sức khỏe là từ 1007-1013hPa).
Cảnh báo của chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn. (Ảnh: FB nhân vật).
Khí áp, hay áp suất không khí, là trọng lượng toàn bộ cột không khí tác dụng lên một đơn vị diện tích. Tại mặt đất, khí áp trung bình các nơi từ 1000-1020mb và giảm dần khi tăng dần độ cao.
Theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Quan trắc Khí tượng, đơn vị đo áp suất không khí là Hectopascal (hPa). Đơn vị này được sử dụng phổ biến trong ngành khí tượng và đo lường môi trường. Hectopascal (hPa) được sử dụng rộng rãi trong cả hệ thống đo áp suất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Ngoài hPa, một số đơn vị đo áp suất khí quyển phổ biến khác là milibar. Đơn vị này được công nhận và quy định bởi các tổ chức đo lường quốc tế như Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) và Tổ chức Đo lường Hải quan Quốc tế (WCO). Đây là đơn vị đo lường chính thức và được sử dụng trong các ngành công nghiệp và khoa học kỹ thuật. Tùy vào từng quốc gia và từng vùng lãnh thổ sẽ có những cách lựa chọn đơn vị đo riêng.
Mối liên hệ giữa các đơn vị này như sau: 1 bar = 1000 hPa = 1000 mb.
Áp suất không khí có vai trò quan trọng đối với con người và môi trường sống xung quanh. (Ảnh: HT Vietnam).
Trọng lượng của không khí tăng hay giảm tuỳ thuộc vào nhiệt độ, độ cao, mật độ cũng như độ ẩm trong không khí.
Áp suất của khí quyển được đo bằng phong vũ biểu. Trong phong vũ biểu, cột áp suất bằng thuỷ ngân trong ống thuỷ tinh tăng lên hay giảm xuống khi trọng lượng khí quyển thay đổi. Áp suất không khi tăng thường mang lại thời tiết tốt hơn, còn khi áp suất không khí giảm thời tiết thường xấu đi.
Áp suất không khí có vai trò quan trọng đối với con người và môi trường sống xung quanh. Cụ thể, áp suất không khí giữ cho nước, động vật, cây cỏ duy trì sự sống trên Trái đất.
Đồng thời, áp suất khí quyển kiểm soát nhiệt độ trên Trái đất bằng cách giữ cho hơi nước không bị bay hơi nhanh chóng. Nó còn đưa oxy từ không khí vào cơ thể thông qua hệ hô hấp của chúng ta.
Sự biến đổi áp suất không khí có thể dẫn đến các biến đổi của thời tiết như mưa, gió, bão, lốc xoáy.
Tại Việt Nam, hệ thống khí áp chính chi phối thời tiết gồm các trung tâm khí áp hoạt động quanh năm và các trung tâm khí áp hoạt động theo mùa.
Nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ con người do khí áp thay đổi
Các nhà khoa học về khí quyển cho rằng khi áp suất không khí (khí áp) thay đổi đều ẩn chứa những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Khí áp xuống thấp kết hợp với trời không có gió, nẫu (là một kiểu nóng không phải do ánh nắng gắt của Mặt trời tạo ra mà do áp thấp nóng gây ra) thường gây cho con người cảm giác khó chịu, huyết áp giảm, có thể kèm thêm triệu chứng đau đầu, chóng mặt. Đôi khi còn có cảm giác nóng trong người nhưng khó thoát mồ hôi.
Đặc biệt khí áp xuống có thể khiến con người xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt. (Ảnh: NK).
Theo An ninh Thủ đô, khi khí áp giảm đột ngột, các bệnh về tim mạch dễ tái phát hoặc trở nên trầm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi lần áp suất không khí giảm xuống, trong không khí sản sinh càng nhiều ion dương, sẽ khiến khả năng chú ý của con người bị phân tán, tâm lý biến đổi xấu, tăng cảm giác buồn phiền bất an. Các số liệu thống kê từ cuộc sống liên quan đến vấn đề này cho thấy, khi áp suất không khí giảm đột ngột, các sự cố ngoài ý muốn xảy ra nhiều hơn, bệnh tâm thần và các bệnh mãn tính cũng dễ tái phát hơn.
Khi khí áp giảm đột ngột, các bệnh về tim mạch dễ tái phát hoặc trở nên trầm trọng. (Ảnh: PNVN)
Báo Sức khỏe & Đời sống cách đây ít lâu cũng dẫn lời chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy cũng cho biết thêm, giai đoạn này cũng là giai đoạn gần Hạ Chí nên thời gian chiếu sáng của mặt trời dài nhất trong năm. Chính vì vậy những người già, trẻ em và người nhạy cảm với các yếu tố thời tiết hạn chế ra ngoài trời nắng.
Mọi người sử dụng các thiết bị điện phù hợp để tránh quá tải hệ thống điện. Ông Nguyễn Ngọc Huy cũng nhấn mạnh, không nên bật điều hòa lạnh thấp hơn 26 độ, nên sử dụng chung 1 điều hòa cho cả nhà trong giờ cao điểm. Hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm.