Hướng dẫn cách điều trị F0 là trẻ em tại nhà
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao, trong đó có trẻ em.
Biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng là tuân thủ 5K, kết hợp với tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, phát hiện sớm và phân tầng điều trị ca bệnh phù hợp với mức độ nặng của bệnh.
Trong trường hợp trẻ là F0 được điều trị tại nhà, cha mẹ cần chăm sóc và quản lý chặt chẽ. (Ảnh minh họa).
Điều trị trẻ em mắc Covid-19 mức nhẹ tại nhà
- Nằm phòng riêng
- Áp dụng phòng ngừa chuần, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi
Điều trị triệu chứng
- Hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38.50 C . Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ
- Thuốc điều trị ho: Ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược
- Uống nhiều nước
- Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua các bữa ăn để cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng cho con. Trường hợp bé còn bú mẹ thì mẹ nên ăn uống đủ chất để con được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng
- Tập thể dục tại chỗ và tập thợ ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn)
- Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn bé các bài tập vận động thường xuyên, nâng cao sức khỏe.
Theo dõi
- Đo nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt
- Đo Sp02 tối thiểu 2 lần/ ngày hoặc thấy trẻ mệt,thở nhanh/ khó thở
Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (Số điện thoại của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ cấp cứu lưu động của quận, huyện).
Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.
Khi cần đưa trẻ F0 đến bệnh viện
Đối với trẻ nhỏ bị nhiễm Covid-19, thời gian ủ bệnh từ 2 – 14 ngày, trung bình là 4 – 5 ngày. Trẻ có thể không có triệu chứng nhưng đa số sẽ gặp phải các triệu chứng khởi phát gồm: ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, nghẹt mũi, nôn, tiêu chảy… Hầu hết các triệu chứng đều nhẹ và trẻ có thể tự hồi phục sau 1 – 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần liên hệ với nhân viên y tế ngay:
- Trẻ sốt cao, đỏ mắt, đỏ môi, chân tay sưng phù, phát ban, đau họng…
- Trẻ nôn ói, co giật, khó thở
- Trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc, không tỉnh táo.
Ngoài những triệu chứng trên, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số về mạch, nhịp thở, huyết áp, SpO2 cho con. Nếu trẻ có nhịp thở nhanh trên 40 lần/phút (trẻ từ 1 – 5 tuổi) và trên 30 lần/phút (trẻ 5 – 12 tuổi) hoặc SpO2 dưới 95% thì phải báo ngay với nhân viên y tế để được hỡ trợ kịp thời.
Lời khuyên của chuyên gia khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà
Theo bác sĩ Chu Quang Liên, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc: “Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc Covid-19 khi tiếp xúc với các ca nhiễm do hệ miễn dịch của con còn non yếu. Trong trường hợp trẻ là F0 được điều trị tại nhà, cha mẹ cần chăm sóc và quản lý chặt chẽ bởi trẻ chưa biết cách tự chăm sóc bản thân, nhiều trẻ nhỏ thì chưa biết nói, chưa biết thể hiện những khó chịu của cơ thể. Do đó, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng, nếu con có biểu hiện nặng, cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện được phép điều trị F0 để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”.
Bác sĩ Liên cũng khuyến cáo thêm: “Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nguy hiểm như hiện nay, cha mẹ nên hạn chế cho con ra ngoài, tới nơi đông người nếu không có việc cần thiết. Trong trường hợp phải ra ngoài, nên cho trẻ đeo khẩu trang đầy đủ, sát khuẩn tay cẩn thận và giữ khoảng tối thiểu 2m với mọi người xung quanh. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của con, bổ sung đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng cho trẻ”.