Internet vệ tinh phủ sóng toàn cầu từ tháng 8
Mạng Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk sẽ vận hành trên phạm vi toàn cầu kể từ tháng 8 tới. Trong tương lai, giá thiết bị thu sóng được giảm một nửa.
Thông tin này được nhà sáng lập Tesla công bố hôm 29/6 trong bài phát biểu trực tuyến cho sự kiện MWC 2021.
Theo Musk, mục tiêu của dự án Starlink là cung cấp kết nối Internet cho khoảng 3-5% cư dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ mạng truyền thống.
Elon Musk nói về tương lai của Starlink tại MWC 2021. (Ảnh: Then24).
“Hãy xem Starlink như việc lấp đầy khoảng trống giữa 5G và cáp quang. Chúng tôi thực sự đang đến những nơi khó tiếp cận nhất trên thế giới”, ông cho biết.
Starlink đang hoạt động ở 12 quốc gia và sẽ mở rộng thêm nhiều khu vực khác hàng tháng. Mạng Internet được phát từ trên không trung xuống bởi hơn 1.500 vệ tinh hiện đã có khoảng 69.000 người dùng. “Chúng tôi đang trên đường đạt được 500.000 người dùng trong vòng 12 tháng”, Musk cho biết thêm.
Với tầm hoạt động rộng của các chùm vệ tinh, Starlink “thực sự dành cho vùng dân cư thưa thớt”, Musk nói. “Ở những khu vực mật độ cao, chúng tôi có thể phục vụ một số khách hàng nhất định”.
Một trong những khó khăn mà dự án Starlink đang phải đối mặt là lợi nhuận. Theo Musk, hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã phá sản. Do đó, mục tiêu đầu tiên của Starlink là duy trì được hoạt động.
Ông dự định rót khoảng 5-10 tỷ USD vào Starlink, trước khi công ty này bắt đầu kiếm được tiền. Một phần nguồn vốn dùng vào mục đích hỗ trợ thiết bị kết nối. Starlink đang bán ra bộ đầu thu cho người dùng với giá 499 USD nhưng trên thực chế chi phí lên đến hơn 1.000 USD, Musk tiết lộ.
“Việc bán thiết bị đầu cuối với giá một nửa như hiện nay vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, theo thời gian, chúng tôi muốn giảm từ 500 USD xuống 300 USD hoặc 250 USD”.
Công nghệ vệ tinh và phương tiện phóng mới hơn cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Các vệ tinh phiên bản 1.5 sắp tới của Starlink có phạm vi kết nối rộng hơn. Ngoài ra, các tàu vũ trụ Starship có thể mang cùng lúc nhiều vệ tinh hơn lên quỹ đạo.