Khám phá ra cách cây cần sa "tổng hợp" các chất giảm đau
Việc các nhà khoa học Canada trong phòng thí nghiệm phát hiện ra cách thức cây cần sa tạo ra các hợp chất có tác dụng giảm đau sẽ giúp sản xuất cannflavin - chất giảm đau - có tác dụng chống viêm mạnh hơn 30 lần so với aspirin.
Theo sciencedirect.com, cây cần sa được nhân loại biết đến đã 5 thế kỷ qua. Và từ lâu, con người tìm thấy trong loài cây này những chất có tác dụng giảm đau. Nhưng chỉ bây giờ, các nhà khoa học mới biết cách chất giảm đau được cây tổng hợp như thế nào. Ban đầu, chất chiết xuất cần sa được sử dụng làm thuốc vì khả năng làm dịu cơn đau, còn các sợi thực vật được đánh giá cao về độ bền. Mãi về sau, các hợp chất có trong cần sa mới được phát hiện có đặc tính hướng thần.
Loài người biết đến cây cần sa đã 5 thế kỷ - (Ảnh : Shutterstock).
Chất nổi tiếng nhất thể hiện các đặc điểm như vậy là cannabidiol (một phytocannabinoid được phát hiện vào năm 1940), được các nhà khoa học nghiên cứu khá kỹ. Nhưng có một loại hợp chất khác thể hiện hoạt tính tương tự, đó là flavonoid. Flavonoid có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư. Các hợp chất này được tìm thấy trong trái cây, rau, hoa, trà, rượu vang và ngay cả trong cây cần sa.
Năm 1986, các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 flavonoid - cannflavin A và cannflavin B - có trong cần sa. Cả 2 flavonoid đều có tác dụng chống viêm mạnh hơn 30 lần so với aspirin. Công trình nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Đại học Guelph ở Ontario (Canada) lần đầu tiên cung cấp dữ liệu về trình tự di truyền mã hóa việc tạo ra cannflavin A và cannflavin B trong loài cần sa Cannabis sativa.
Sử dụng kết hợp các phương pháp genomics và hóa sinh, nhóm khoa học đã có thể xác định chính xác gene nào chịu trách nhiệm sản sinh ra 2 chất này. Kết quả nghiên cứu cho thấy bằng chứng đầu tiên về các cách di truyền độc đáo để tạo ra chất giảm đau trong loài cây này. Hóa ra, nó chỉ sử dụng 2 enzyme - chất làm tăng tốc phản ứng sinh hóa - để tạo ra 2 loại chất giảm đau.
Tuy nhiên, việc chiết xuất và tinh chế các hợp chất này từ cần sa là không thực tế. Cây cần sa chứa các hợp chất với tỷ lệ khoảng 0,011% trọng lượng. Do đó, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng dữ liệu thu được để sản xuất cannflavin trong phòng thí nghiệm.