Khoa học chứng minh: Dỗ trẻ bằng điện thoại gây nhiều hệ lụy khó lường
Nghiên cứu mới chỉ ra thói quen được nhiều phụ huynh sử dụng để kiềm chế cơn cáu giận của trẻ không thực sự tốt như trong tưởng tượng.
Đặt chiếc smartphone hay máy tính bảng vào tay một đứa trẻ đang khóc sẽ khiến chúng ngay lập tức bị thu hút, đặc biệt là nếu thiết bị đang mở một nội dung hoạt hình, hay trò chơi giải trí.
Cách làm này đã được nhiều phụ huynh trên thế giới kiểm chứng và áp dụng như một biện pháp đáng tin cậy, giúp họ dễ xoay xở hơn rất nhiều khi phải đối mặt với cơn cáu giận từ trẻ.
Dùng thiết bị di động để dỗ trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng tới tâm trí của trẻ. (Ảnh minh họa: Getty).
Tuy nhiên trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng phương pháp này có thể để lại một số hệ lụy đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tâm trí của trẻ.
Cụ thể, việc tăng cường sử dụng các thiết bị như một cơ chế xoa dịu có thể ảnh hưởng đến khả năng phản ứng, hoặc rối loạn điều chỉnh cảm xúc xảy ra nhiều hơn ở trẻ, chẳng hạn như tâm trạng thay đổi nhanh chóng, bốc đồng cao.
Mối liên hệ này đặc biệt rõ ở các bé trai và trẻ em đã từng có dấu hiệu hiếu động thái quá. Hiểu theo một nghĩa nôm na, có vẻ như những thiết bị này đã ngăn trẻ phát triển cách điều chỉnh cảm xúc của riêng chúng.
Để có được kết quả này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với sự tham gia của 422 phụ huynh và một số lượng trẻ em nhất định nằm trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Khảo sát được triển khai từ tháng 8/2018 - 1/2020, trước khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến trường học và cuộc sống gia đình.
"Sử dụng thiết bị di động để dỗ trẻ nhỏ có vẻ như là một biện pháp vô hại để giảm bớt căng thẳng trong gia đình, nhưng sẽ trở thành hậu quả lâu dài nếu nó là chiến lược xoa dịu thường xuyên", TS. Jenny Radesky từ Đại học Michigan (Mỹ) cho biết.
TS. Radesky lý giải rằng việc tiếp xúc với các thiết bị có thể dần thay thế cơ chế phát triển các phản xạ độc lập của trẻ trong việc tự điều chỉnh cảm xúc.
Trên thực tế, đây là một chủ đề không mới. Trong quá khứ, các bậc cha mẹ đã thường xuyên lo lắng về việc cho con cái của họ xem quá nhiều TV hoặc chơi trò chơi điện tử.
Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, trải nghiệm sử dụng các thiết bị đa phương tiện bị phân mảnh, dễ tương tác và dễ tiếp cận hơn nhiều, dẫn tới việc kiểm soát chúng trở nên khó khăn, và để lại nhiều hậu quả.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng phụ huynh có nhiều lựa chọn và cách xử lý khi trẻ cáu giận. Tuy nhiên cần đặc biệt cân nhắc, vì điều này rốt cuộc sẽ giúp xây dựng các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc kéo dài suốt đời của trẻ.
Các tác giả của nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng thiết bị ở mức độ vừa phải vẫn mang đến một số lợi ích, đồng thời cảnh báo rằng không nên sử dụng thiết bị như một cách chính, hoặc thường xuyên làm điều này để giữ trẻ bình tĩnh trở lại.