Khủng long chết, động vật có vú "phát tướng" 1.000 lần
Kích thước của các loài động vật có vú đã tăng gấp 1.000 lần sau khi loài khủng long tuyệt chủng trên Trái đất, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Calgary (Canada).
Hai loài động vật có vú, sống trên cạn lớn nhất từng xuất hiện trên trái đất, Indricotherium và Deinotherium, có chiều cao vượt xa rất nhiều so với loài voi châu Phi đang tồn tại. (Ảnh: Internet).
Theo tờ Daily Mail, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những mẫu hóa thạch của các loại động vật có vú trên toàn thế giới, bao gồm: những động vật thuộc bộ guốc lẻ như tê giác, ngựa; bộ voi như voi, ma mút, voi răng mấu và các loài động vật có vú khác.
Kết quả cho thấy, sau khi loài khủng long tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm, hệ sinh thái đã thay đổi hoàn toàn khiến cuộc sống của các loài động vật có vú cũng thay đổi theo. Trong vòng 25 triệu năm sau đó, các loài động vật có vú đã tiến hóa rất nhanh về kích cỡ của cơ thể.
Khi loài khủng long còn tồn tại trên Trái đất, trọng lượng tối đa của các loài động vật có vú không quá 10 kg. Tuy nhiên sau khi loài khủng long tuyệt chủng, những loài động vật có vú đã tiến hóa rất nhanh về trọng lượng, một số loài có thể đạt trọng lượng tối đa 17 tấn.
“Khi loài khủng long tuyệt chủng trên Trái đất, một lượng lớn thức ăn thực vật sẽ được dành cho các loại động vật có vú ăn cỏ. Điều này khiến các loại động vật có vú ăn cỏ có đủ chất dinh dưỡng và tiến hóa rất nhanh về mặt trọng lượng”, tiến sĩ Jessica Theodor, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, giải thích.
Các nhà khoa học thuộc thuộc trường đại học Calgary cũng phát hiện thấy rằng, những động vật có vú sống ở các vùng khí hậu lạnh càng tiến hoá về mặt trọng lượng nhanh hơn so với về kích thước cơ thể thì khả năng điều hòa thân nhiệt càng tốt.
Kết quả nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Science vào ngày 26/11.