Kinh hoàng cảnh rồng Komodo ăn tươi nuốt sống dê núi trong tích tắc
Rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới cho thấy sự hung tợn bằng cách nuốt sống con mồi khiến ai chứng kiến cũng phải "sởn gai ốc".
Một video được chia sẻ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi con rồng Komodo trưởng thành bình thản nuốt trọn một con dê núi trước sự kinh hãi của người xem.
Đoạn video bắt đầu với cảnh một con rồng Komodo như đánh hơi được điều gì, đã liên tục tìm kiếm trên bãi cỏ. Một lúc sau, nó phát hiện ra xác một con dê núi chưa trưởng thành, đang nằm chết ở gần đó.
Có thể thấy rằng con dê có kích thước không hề nhỏ. Tuy nhiên, thay vì cắn xé con mồi như đa số trường hợp, con rồng Komodo ngay lập tức lao vào "nuốt chửng" con vật tội nghiệp giống như cách một con trăn thường làm.
Đầu của con dê bị treo lơ lửng ngoài hàm của con bò sát khát máu, còn phần thân dưới thì nhanh chóng bị nghiền nát trong miệng kẻ săn mồi. Chỉ trong khoảng nửa phút, rồng Komodo, với hàm răng sắc nhọn tựa như cá sấu, đã nuốt xong bữa trưa của nó.
Rồng Komodo (tên khoa học: Varanus komodoensis) là một loài thằn lằn lớn thường được tìm thấy trên các đảo của Indonesia. Chúng là thành viên của Chi Kỳ đà thuộc họ Varanidae, và là loài thằn lằn lớn nhất còn sống sót, với chiều dài cơ thể có thể đạt tối đa 3m, và nặng khoảng 70kg.
Mặc dù có thân hình to lớn, nhưng chúng chạy khá nhanh, có thể đạt đến vận tốc khoảng 20km/h. Ngoài ra, chúng còn có thể lặn dưới nước sâu 5m, và trèo cây như các loài thằn lằn khác.
Rồng Komodo có nọc độc ở dạng protein, tiết ra từ hai tuyến ở hàm dưới.
Chúng là loài ăn thịt, với con mồi ưa thích là động vật không xương sống, chim, động vật ăn cỏ và cả động vật có vú. Các tài liệu khoa học cho rằng chúng có nọc độc ở dạng protein, tiết ra từ hai tuyến ở hàm dưới.
Không chỉ vậy, ngay cả nước bọt của rồng Komodo cũng chứa tới 50 loại vi khuẩn khác nhau. Chỉ cần một vết cắn của loài rồng này cũng có thể khiến con mồi nhiễm độc rồi tử vong trước khi bị rồng nuốt trọn.
Rồng Komodo là loài phàm ăn, khi có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể của nó trong một bữa ăn. Sau khi ăn, rồng Komodo thường phải lê mình đến vị trí có nắng để tăng tốc độ tiêu hóa. Nguyên nhân là bởi thức ăn trong dạ dày chúng có thể thối rữa và gây ngộ độc cho rồng nếu để quá lâu.
Tuy nhiên, cũng chính bởi bản tính phàm ăn, kết hợp với môi trường sống bị thu hẹp, nên từ chỗ có số lượng khá đông đảo lên tới hàng nghìn con, rồng Komodo hiện đang đứng trước nguy cơ sắp bị tuyệt chủng.