Kỹ năng sinh tồn mà ai cũng cần phải biết để cứu sống nhiều người
Đây là kỹ năng hồi sức cấp cứu được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Mới đây, một gia đình tại Grimsby (Anh) đã trải qua một thời khắc được mô tả là "kinh hoàng", khi con gái mới sinh của họ suýt chút nữa đã rời xa mãi mãi.
Cụ thể hơn, bé Layla-Rose vốn có sức khoẻ rất yếu vì sinh non 3 tháng. Sau 2 tuần xuất viện, đột nhiên cô bé ngừng thở, gương mặt tái xanh, gần như cận kề cái chết.
Trong khoảnh khắc đó, Daniel Ward đã làm mọi điều có thể để cứu lấy con gái mình. Và ông bố trẻ 27 tuổi đã thành công, tất cả là nhờ vào một kỹ năng mới được học trước đó vỏn vẹn một tuần: CPR - kỹ năng hồi sức tim phổi.
Daniel Ward - người đã làm nên khoảnh khắc kỳ diệu cho gia đình mình.
Ward cho biết: "Tôi đã rất lo sợ, nhưng đó là con gái tôi và tôi không thể nhìn nó chết được. Và rồi khi con bé ho và thở lại được, tất cả như vỡ oà, còn tôi vẫn không thể tin được rằng mình đã cứu sống nó. Nếu như tuần trước đó không được học CPR, con gái chúng tôi có thể đã ra đi mãi mãi. Tất cả mọi người nên học kỹ năng này, vì một sinh mạng có thể được cứu sống nhờ nó".
Layla-Rose - bé gái được cứu sống nhờ bố của mình.
Vậy rốt cục, CPR quan trọng như thế nào? Tại sao mọi người cần biết về kỹ thuật này?
CPR - Kỹ năng hồi sức cấp cứu ai cũng nên học
CPR (Cardiopulmonary resuscitation) là kỹ năng hồi sức cấp cứu được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, với kết hợp giữa ấn ngực và hô hấp nhân tạo.
Đây thực sự là một kỹ năng rất quan trọng. Khi tim nạn nhân ngừng đập, mũi ngừng thở, nguồn cung oxy sẽ bị cắt đứt. Không có oxy, não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn và thậm chí dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 8 - 10 phút.
Đây thực sự là một kỹ năng rất quan trọng.
Nhưng nếu thực hiện CPR đúng cách, bạn có thể cứu sống nạn nhân bằng cách khôi phục lượng máu đến tim, não, phục hồi lại hơi thở trước khi nhân viên y tế đến nơi.
Hiệp hội tim mạch Mỹ đánh giá đây là một kỹ năng sinh tồn rất quan trọng, ai cũng nên biết để có thể vận dụng bất kỳ lúc nào.
Khi nào cần thực hiện CPR?
CPR thực hiện càng sớm, khả năng cứu sống bệnh nhân và không ảnh hưởng đến não càng cao. Tuy nhiên, bạn không thể vội vàng cứu người mà cần phải kiểm tra ngoại cảnh trước đã.
Hãy đảm bảo rằng môi trường xung quanh phải an toàn: không có nguồn điện hở, không khí bình thường, không có khí độc...
Bạn sẽ không thể cứu người được nếu như bản thân cũng trở thành nạn nhân. Tiếp đó, cần cân nhắc xem có nên thực hiện CPR không.
Với người lớn, có thể kiểm tra bằng cách rung nhẹ vai, hỏi thăm phản ứng. Quan sát đồng tử, nghe hơi thở và lồng ngực xem có di động không. Nếu xác định nạn nhân không phản ứng, hãy lập tức gọi sự giúp đỡ, nhờ người đó gọi cấp cứu rồi thực hiện CPR.
Nếu chỉ có mình bạn, hãy gọi cấp cứu trước khi thực hiện CPR, trừ khi tình hình quá nghiêm trọng như gặp phải tai nạn đuối nước.
Hướng dẫn cơ bản về hồi sức cấp cứu
CPR có 3 phần cơ bản, được viết tắt là CAB. Trong đó C (Compression) là ấn ngực, A (Airway) là đường thở, và B (Breathing) là hô hấp nhân tạo.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng nếu bạn chưa qua bất kỳ một khoá huấn luyện hồi sức cấp cứu nào, chỉ cần thực hiện "C" là đủ rồi, vì đó là động tác đơn giản, dễ thực hiện nhất mà thường đem lại hiệu quả cao. Đó cũng là lý do bài viết này sẽ chỉ hướng dẫn bạn động tác ấn ngực mà thôi.
Động tác ấn ngực này nhằm mục đích khôi phục lại tuần hoàn máu, giúp tim đập lại và qua đó phục hồi các cơ quan khác. Đầu tiên, hãy lót một lớp nền phẳng dưới lưng bệnh nhân. Sau đó, đặt tay vào chính giữa ngực, ngang tầm 2 nách.
Tay đặt chính giữa ngực, ngang tầm nách.
Tiếp đó, đặt cườm tay vào chính giữa ngực, rồi đặt tay còn lại trên để trợ lực.
Cuối cùng, giữ cho khuỷu tay thật thẳng, dùng toàn bộ trọng lượng cơ thể ấn thật mạnh. Theo Hội Tim mạch Mỹ, động tác ấn ngực cần được thực hiện thật nhanh, mạnh và ngay chính giữa ngực, với tốc độ khoảng 100 lần/phút. Nhưng đối với trẻ em, động tác sẽ phải nhẹ hơn một chút nhằm tránh gây tổn thương lồng ngực ở trẻ.
Cần lưu ý rằng, việc ép ngực này phải dùng sức nhiều nên bạn có thể nhờ thêm một người khác phụ - tiếp tục làm với tốc độ 100 lần/phút cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu hồi tỉnh, hoặc khi có bác sĩ, chuyên gia y tế tới.
Việc ép ngực liên tục như vậy để bắt ép tim co bóp hầu cung cấp máu cho não. Dù khi nạn nhân bắt đầu có dấu hiệu thở lại, việc ép ngực liên tục vẫn nên tiếp tục thêm một thời gian nữa.
Nếu chưa qua bất kỳ lớp học CPR nào, hãy tiếp tục thực hiện động tác này cho đến khi nạn nhân có phản ứng, hoặc các chuyên gia y tế xuất hiện.
Đối với các bước thông đường thở (Airway) và hà hơi thổi ngạt (Breathing), bạn nên tham gia một khóa đào tạo CPR. Ở đó, các bạn sẽ được học cách đặt nạn nhân thế nào cho đúng tư thế, cách thông đường thở khi có dị vật bị tắc nghẽn, và cách thổi ngạt hiệu quả.
Đây là những bước rất khó mô tả nếu không được hướng dẫn trực tiếp, và có thể gây hậu quả không mong muốn nên bài viết sẽ không đề cập đến.
Học CPR để phòng ngừa bất trắc
Tại Việt Nam, các khóa học luyện CPR chưa được phổ cập tại trường học, nhưng bệnh viện hoặc Hội Chữ thập đỏ đôi khi cũng tổ chức những khoá học này. Nếu muốn tham gia, bạn có thể liên hệ với những tổ chức này để có thêm thông tin.