Lần đầu tiên con người thấy tác động của ma túy đối với não
Các nhà khoa học tại Mỹ đã ghi hình thành công khoảnh khắc dòng máu lên não lưu chuyển chậm hơn do tác động của cocaine.
Yingtian Pan, một giáo sư thuộc khoa Kỹ thuật Y sinh của Đại học Stony Brook tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, dùng kỹ thuật laser để theo dõi tác động của cocaine đối với hoạt động lưu chuyển máu lên não chuột, Daily Mail đưa tin. Họ chiếu tia laser vào các hồng cầu trong não để tia laser dội ngược trở lại. Bằng cách đo những thay đổi trong tần số của những tia laser dội ngược, nhóm nghiên cứu có thể tính toán tốc độ di chuyển của máu.
Trong ảnh bên trái, người xem thấy các mạch máu của chuột khi cocaine chưa xâm nhập cơ thể chúng. Nhưng trong ảnh bên phải, những mạch máu trở nên thẫm hơn sau khi cocaine xâm nhập cơ thể chuột. Mức độ thẫm càng lớn thì máu di chuyển càng chậm. (Ảnh: Daily Mail)
Kết quả cho thấy tốc độ chảy của máu trong não giảm rõ rệt sau 30 ngày từ khi cocaine xâm nhập cơ thể chuột.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học có bằng chứng bằng hình ảnh về tác động của cocaine đối với sự di chuyển của máu. Bước đột phá này có thể giúp các bác sĩ và nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn tác hại của việc lạm dụng ma túy đối với não, nhờ đó mà họ sẽ thực hiện tốt hơn các ca phẫu thuật u não cũng như điều trị người nghiện ma túy.
Cocaine và các dạng ma túy khác có thể gây hiện tượng phình mạch và đột quỵ, song những tác động cụ thể của cocaine đối với mạch máu vẫn là điều bí ẩn.
"Nó là điều bí ẩn bởi giới nghiên cứu không thể thấy rõ những tác động trên dữ liệu ảnh", Pan giải thích.
Nhờ kỹ thuật mới, Pan và cộng sự có thể theo dõi những thay đổi trong các mạch máu bên trong não chuột sau khi họ đưa cocaine vào cơ thể chúng. Thậm chí họ còn có thể xác định chính xác thời điểm dòng máu ngừng chuyển động - hiện tượng xảy ra trước cơn đột quỵ.