Lần đầu tiên cực quang xuất hiện ở Moscow và St. Petersburg
Một vùng cực quang rộng lớn đã hình thành trên lãnh thổ Nga vào đêm 10/5. Điều đặc biệt là chúng đã xuất hiện trên bầu trời St. Petersburg và Moscow.
Cực quang một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. (Ảnh: Ria Novosti).
Hiện tượng này xuất hiện do một cơn bão từ rất mạnh ở cấp độ G4, G5 gây nên. Theo các nhà nghiên cứu Thiên văn thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cơn bão từ bắt đầu từ tối 10/5, khiến một vùng rộng lớn của nước Nga chìm trong một đám mây plasma. Tốc độ của gió mặt trời tăng gần gấp đôi, từ 400km/s lên 700km/s. Mật độ plasma đã tăng khoảng 30 lần dẫn đến việc hình thành vùng cực quang.
Cực quang là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, thông thường chỉ xuất hiện ở tỉnh Murmansk và địa phương này hiện đang là một điểm du lịch yêu thích với nhiều người Nga.
Theo các nhà khoa học, bão từ cấp G1 được coi là yếu nhất, hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điện. Cấp G3 là bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện và gây gián đoạn hoạt động định vị vệ tinh, liên lạc vô tuyến. Mức tối đa là G5, có thể gây ra sự cố quy mô lớn với lưới điện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của vệ tinh và liên lạc vô tuyến.
- Ngắm nhìn 21 bức ảnh về quang cảnh trời đêm đẹp đến ngoạn mục
- Lý giải về hiện tượng cực quang
- Những hiện tượng lạ của mặt trời xảy ra như phép màu