Lần đầu tiên dép tông dính bụi, bẩn kéo theo nguy cơ lớn tại Australia
Ở Australia đang là mùa đông và lần đầu tiên sau ba năm bị hạn chế đi lại vì dịch bệnh, hàng ngàn cư dân nước này đang bay đến đảo Bali của Indonesia để trải qua kỳ nghỉ và để được đắm mình trong ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên, các quan chức Australia đang ngày càng lo ngại về những vật dụng người dân nước này mang về nhà và đang cân nhắc việc khuyên du khách nên để dép tông xỏ ngón ở lại Bali.
Bệnh lở mồm long móng (FMD) đang nhanh chóng lây lan qua nhiều đàn gia súc ở Indonesia và ngày 5/7 vừa qua, dịch FMD đã được xác nhận đang lan truyền tại các đàn gia súc ở Bali - một điểm đến du lịch nổi tiếng và là nơi có nhiều đường bay thẳng đến 7 thành phố của Australia.
Quan chức phụ trách về thú y Mark Schipp của Australia cho biết: "Bệnh FMD sẽ diễn ra rất nghiêm trọng nếu nó đến Australia".
Căn bệnh này vô hại đối với con người nhưng gây ra các vết phồng rộp và tổn thương đau đớn trên miệng và bàn chân của động vật có móng như trâu bò, cừu, lợn, dê và lạc đà, khiến chúng không ăn được và trong một số trường hợp có thể gây què nặng và tử vong.
Căn bệnh này được coi là mối đe dọa an toàn sinh học lớn nhất đối với vật nuôi của Australia và một đợt bùng phát có thể dẫn đến việc tiêu hủy hàng loạt động vật bị nhiễm bệnh và đóng cửa thị trường xuất khẩu thịt bò có giá trị lớn của nước này trong nhiều năm tới.
Fiona Simson, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Quốc gia cho biết: "Những tác động đối với nông dân nếu căn bệnh FMD xâm nhập vào thực sự là thảm khốc. Nhưng đó không chỉ ảnh hưởng đối với người nông dân. Khoảng 80 tỷ USD trong GDP của Australia sẽ bị xóa sổ và đây sẽ là một thảm họa kinh tế đối với tất cả mọi người".
Australia đã bắt đầu tăng cường kiểm soát an toàn sinh học tại các sân bay, kiểm tra hành lý đối với các sản phẩm thịt và pho mát, đồng thời cảnh báo khách du lịch rằng bụi bẩn trên giày, dép của họ có thể vô tình gây ra đợt bùng phát FMD đầu tiên ở Australia sau 150 năm.
Nhưng vấn đề là giày dép thường được mang ở Bali không phù hợp với các biện pháp an toàn sinh học thông thường tại Australia.
Bali là một điểm đến ưa thích của các du khách Australia. (Ảnh: CNN).
Ông Schipp nói: "Rất nhiều người trở về từ Bali không đi giày. Họ đi dép tông và bạn thực sự không thể đảm bảo các hóa chất khử trùng giày dép không dính vào da người dùng".
Ông cho biết, các quan chức nước này đang xem xét việc yêu cầu khách du lịch từ bỏ các đôi dép tông.
Ông Schipp nói: "Nếu bạn đang mang dép tông ở Bali, thì hãy bỏ chúng lại ở Bali". Lời khuyên về vấn đề giày dép vẫn chưa được đưa vào quy định chính thức nhưng chúng cũng nằm trong danh sách được xem xét, ông Schipp nói thêm.
Indonesia bùng phát dịch lở mồm long móng
Dịch bệnh này đang lan nhanh ở Indonesia, nơi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng Tư. Vào tháng 5, các nhà chức trách Indonesia đã cảnh báo Australia, cùng với New Zealand, Trung và Bắc Mỹ, và lục địa Tây Âu cần cẩn trọng dù hiện vẫn chưa xuất hiện dịch bệnh này.
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo cho biết nước này đã cố gắng triển khai chương trình tiêm phòng, nhưng đến ngày 27/6, chỉ có 58.275 con trong tổng đàn khoảng 17 triệu con của nước này được tiêm phòng.
Ông Schipp cho biết việc triển khai tiêm chủng chậm đang cho thấy những thách thức về hậu cần ở một quốc gia trải rộng trên hàng nghìn hòn đảo.
Thời điểm bùng phát cũng là một thảm họa ở Indonesia khi chỉ diễn ra vài tuần trước lễ hiến tế Idul Adha. Trong 3 ngày, kể từ ngày 10 tháng 7, động vật thường bị bán với số lượng lớn để giết thịt. Sau khi các gia đình cầu nguyện và dùng bữa cùng nhau, họ hy sinh gia súc và phân phát thịt cho người nghèo.
Mike Tildesley, một chuyên gia về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick, nói với CNN rằng việc giết mổ không làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm mà vấn đề là "việc di chuyển chúng với số lượng lớn tới các điểm lễ hội."
"Chúng tôi đã thấy điều này ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có lễ hội hàng năm Kurban, cũng liên quan đến việc giết mổ một số lượng đáng kể gia súc. Sự di chuyển lớn của gia súc trên khắp đất nước thường kéo theo sự gia tăng các ca nhiễm FMD", ông Mike Tildesly chia sẻ với CNN trong một email.
Ông nói: "Việc lây truyền cũng có thể xảy ra do tiếp xúc với thịt của chúng, đặc biệt là trong vài giờ đầu tiên sau khi giết mổ. Và đó là lý do tại sao việc xử lý thịt của các đàn gia súc bị nhiễm bệnh phải được xử lý hết sức cẩn thận".
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, đến ngày 7/7, dịch FMD bùng phát ở Indonesia đã lây lan sang hơn 330.000 con ở 21 tỉnh. Hàng ngàn liều vaccine từ Pháp đã được đưa tới Indonesia và hơn 350.000 con vật đã được chủng ngừa.
Đối với Australia, tiêm phòng cho động vật chỉ là một lựa chọn khi virus FMD đã xâm nhập, bởi vì việc tiêm phòng sẽ ảnh hưởng tới thương mại của nước này.
Ông Schipp cho biết: "Nếu chúng tôi tiêm phòng trước, chúng tôi sẽ mất đi vị thế là quốc gia không có dịch FMD và sẽ mất quyền tiếp cận thị trường và thương mại của mình".
Ross Ainsworth, một bác sĩ thú y 40 năm sống ở Bali, cho biết khách du lịch trên đảo tiếp xúc với gia súc và mang virus về nhà là quá dễ dàng.
Ông nói: "Gia súc ở khắp mọi nơi và khi chúng bị nhiễm bệnh chúng sẽ phát tán virus". Theo ông Ross, virus có thể tồn tại trong vài ngày trên đế giày hoặc lâu hơn một chút nếu trời lạnh hơn.
Ông Schipp cho biết cách phòng vệ tốt nhất là nêu cao nhận thức cho đến khi những đôi giày, đôi dép có khả năng dính virus bị loại bỏ hoặc thậm chí là việc ngâm giày, dép trong dung dịch sát khuẩn trở thành bắt buộc. Nhưng ông Schipp cũng nói rằng điều đó không có nghĩa là yêu cầu khách du lịch tránh xa những con bò.
Ông nói: "Nhìn thấy gia súc ở Bali là một phần của trải nghiệm khi tới đây. Nhưng rất dễ dàng để rửa tay và đảm bảo rằng đôi giày, đôi dép của bạn sạch sẽ trước khi bạn trở về nhà".