"Lãnh địa" loài rắn độc ở Trung Quốc chứa 20.000 con: Nếu thả 2 con lửng mật vào thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Lửng mật là thiên địch của rắn độc. Nếu được thả vào "ổ rắn" hàng chục nghìn con, lửng mật sẽ làm gì?
Xà đảo Đại Liên - "Lãnh địa" của loài rắn lục ở Trung Quốc
Vì có rất nhiều rắn sinh sống tại hòn đảo Tiểu Long Sơn nên "vương quốc" chỉ có loài bò sát này độc chiếm còn có tên là Xà đảo (Đảo Rắn).
Hòn đảo này có hơn 200 loài thực vật sinh sống, nhưng chỉ có duy nhất một loài động vật tồn tại đó là rắn. Các nhà khoa học ước tính có đến 20.000 con rắn lục sinh sống ở mọi ngóc ngách trên đảo, từ rừng, hang động đến rặng núi và thung lũng.
Xà đảo Đại Liên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tiểu Long Sơn nằm ở biển Bột Hải ở phía tây bắc quận Lữ Thuận Khẩu, thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc).
Xà đảo dài khoảng 1.500 mét, rộng 800 mét và có tổng diện tích khoảng 1,2 km vuông. Đỉnh chính cao 216,9 mét so với mực nước biển và được bao quanh bởi các vách đá, ngoại trừ bãi biển đầy sỏi ở góc đông nam.
Xà đảo nhìn từ trên cao. (Ảnh: Baidu).
Hàng chục triệu năm trước, nơi đây không phải là đảo mà là những đỉnh núi nhỏ nối liền với đất liền. Trải qua hoạt động kiến tạo mảng, sự kết nối giữa Đảo Rắn và đất liền bị đứt gãy trong quá trình chuyển động của vỏ Trái đất rồi cuối cùng bị tách ra trên biển cách đất liền 7 hải lý.
Ngày này, trên Xà đảo vẫn tồn tại một điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên: Rắn lục trên đảo là loài rắn duy nhất trên thế giới "ngủ đông"... vào mùa hè.
Lý do là vì, rắn lục là loài ăn thịt nhưng trên đảo không hề có bóng dáng của loài động vật nào. May thay, nhờ có 200 loài thực vật phát triển nên nơi đây là thiên đường của các loài chim di cư vào cuối thu - đầu đông.
Bởi vậy, trong suốt mùa hè khan hiếm thức ăn, rắn lục trên Xà đảo phải thích nghi với việc nhịn ăn, giảm hoạt động (giống như quá trình ngủ đông của các loài rắn khác) để tiết kiệm năng lượng, chờ đến mùa đông thỏa sức săn và ăn chim di cư - nguồn thức ăn duy nhất của chúng.
Điều này cho thấy đặc điểm cực kỳ ngoan cường của loài rắn này. Ở một nơi chỉ rộng hơn 1km vuông mà có đến 20.000 con rắn sinh sống cũng đủ thấy tính cạnh tranh khốc liệt về nguồn thức ăn cũng như khả năng "gan lì" chịu được cái rét của mùa đông để kiếm ăn của rắn lục Xà đảo.
Một con rắn lục đang leo lên cành cây để bắt chim. (Ảnh: CGTN).
Vì không có loài động vật nào sống trên Xà đảo nên rắn lục nơi đây độc chiếm hòn đảo này và do đó không có thiên địch. Không có bất cứ loài động vật nào khác có thể làm hại chúng - tất nhiên trừ việc cạnh tranh thức ăn của những con rắn đồng loại.
Nếu vậy, Sohu (của Trung Quốc) đưa ra tình huống giả định: Thả 2 con lửng mật lên hòn đảo này thì 2 kẻ "thiên địch của loài rắn độc" này có "ngốn" hết 20.000 con rắn có độc mạnh này không?
Trước hết, cần giải đáp câu hỏi "Lửng mật có sợ nọc rắn không?"
2,7 triệu người bị rắn độc cắn mỗi năm trên toàn cầu. Trong số đó, có tới 400.000 người bị tàn tật vĩnh viễn và có từ 81.000 đến 138.000 người tử vong, thông tin được trích dẫn trong một nghiên cứu khoa học đăng trên Tạp chí Nature năm 2023.
Các chất độc trong nọc độc của rắn có thể làm tê liệt cơ, phá vỡ mô và thậm chí khiến nạn nhân chảy máu không kiểm soát được. Nọc độc của loài rắn lục Xà Đào thuộc độc tố máu tấn công hệ tuần hoàn.
Tuy nhiên, nọc rắn khủng khiếp không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Chẳng hạn, loài lửng mật - được mệnh danh là "đại ca đầu bẹt" - có khả năng kháng nọc độc rắn một cách tự nhiên.
Lửng mật là loài động vật ăn tạp.
Đi sâu vào tìm hiểu, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng: Một số đột biến trong gene của lửng mật đã làm thay đổi các thụ thể để chất độc alpha-neurotoxin của nọc rắn hổ mang không thể làm tê liệt lửng mật. Mặc dù điều này chỉ chứng minh khả năng kháng độc tố thần kinh của lửng mật và không chứng minh khả năng kháng các loại chất độc khác của rắn độc, nhưng nó cũng cho thấy lửng mật thực sự đã tiến hóa đặc biệt để đối phó với rắn độc.
Thậm chí, trong thực đơn của loài vật được Sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là "động vật táo bạo nhất" này còn có loài rắn độc (trong đó có rắn hổ mang, Mamba đen...). 25% nguồn thức ăn của lửng mật đến từ loài bò sát này.
Đó là lý do các nhà khoa học gọi lửng mật là "thiên địch của loài rắn độc".
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Quay trở lại câu hỏi giả định: Thả 2 con lửng mật lên hòn đảo này thì 2 kẻ "thiên địch của loài rắn độc" này có ngốn hết 20.000 con rắn có độc mạnh này không?
Đáp án là KHÔNG THỂ, bởi vì rắn lục Xà đảo không hề ngốc nghếch. Ngược lại, chúng rất nhanh nhạy, tinh vi.
Thứ nhất, xét về khả năng phát hiện kẻ thù. Trên hố má của rắn lục Xà đảo có chức năng "máy dò nhiệt", cho phép chúng cảm nhận được 1/1000 sự thay đổi nhiệt độ ở khoảng cách gần.
Thứ hai, rắn lục Xà đảo rất nhanh nhạy. Chúng có thể học hỏi và phản ứng nhanh trong vòng 1/10 giây. Là loài rắn săn mồi theo chiến thuật phục kích, rắn lục phải tiến hóa để có tốc độ phản xạ cực nhanh, nếu không làm sao chúng có thể săn được những con mồi nhanh nhẹn như chim.
Là loài rắn phục kích, khả năng ngụy trang của chúng rất vượt trội, nếu không chúng sẽ không thể săn được những con mồi nhanh nhẹn như chim và chúng có thói quen săn mồi; hóa, lúc này chúng sẽ ẩn náu trong các kẽ đá, trong hang động và trong thân cây chết.
Thứ ba, loài rắn này rất giỏi ngụy trang. Nhờ vào hoa văn trên cơ thể (giống vỏ cây rừng) cùng tư thế mô phỏng vật thể xung quanh mà rắn lục Xà đảo có thể đánh lừa được đối phương.
Rắn lục tại Xà đảo có đặc điểm sinh sản đặc biệt.
Thứ tư, xét đến đặc điểm sinh sản. Trong 3 hình thức sinh sản của loài rắn gồm đẻ trứng (oviparous), đẻ con (viviparous) và noãn thai sinh (ovoviviparous), thì rắn lục Xà đảo tiến hóa để sinh đẻ theo hình thức noãn thai sinh. Nghĩa là chúng cũng sẽ sinh ra trứng rắn, nhưng trứng sẽ nở ra khỏi bụng trước khi được sinh ra bên ngoài. Điều này được thực hiện vì môi trường trên Xà đảo hơi khắc nghiệt và việc sinh nở bằng noãn thai sinh sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ sống của rắn con.
Xét về lửng mật. Tuổi thọ của loài này là 24. Với tốc độ sinh sản dày đặc của loài rắn lục thì lửng mật cũng khó mà ăn hết hàng chục nghìn con rắn trong suốt vòng đời của nó (nếu tính số rắn mà chúng ăn mỗi ngày là 1 con). Chưa kể, đồ ngọt (mật ong và ấu trùng ong mật) cũng như rễ cây, củ, quả mọng và trái cây mới là món ăn khoái khẩu của lửng mật.
Ngoài ra, thói quen thường thấy nhất của lửng mật là đào hang và không làm gì cả. Chúng thích nghỉ ngơi, hầu như là hàng ngày.
Chưa kể, loài lửng mật được tìm thấy ở hầu hết vùng cận Sahara châu Phi, Ả Rập Xê Út, Iran và Tây Á. Chúng ưa sống tại những vùng rừng mưa ấm áp đến núi mát mẻ. Do đó, mùa đông trên Xà đảo có thể khá khắc nghiệt với chúng.
Xét về các đặc điểm của cả rắn lục và lửng mật thì có thể thấy dù thế nào đi nữa, hai con lửng mật cũng không thể ăn hết rắn trên Xà đảo Đại Liên.
Vào những năm 1950, một số cuộc khảo sát cho thấy có từ 10.000 đến 50.000 con rắn lục trên Xà đảo. Tuy nhiên, đến năm 1982, số lượng giảm xuống còn khoảng 9.000 con, mức thấp kỷ lục. Do đó, Trung Quốc đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tiểu Long Sơn nhằm bảo vệ loài rắn độc đáo này, nhờ đó gia tăng số lượng loài bò sát máu lạnh này.