Liên tục xuất hiện kiểu thời tiết trái mùa, có phải do biến đổi khí hậu?
Chưa khi nào sự bất thường của thời tiết lại xảy ra phổ biến như năm nay. Giữa tháng 5, các tỉnh phía Bắc vẫn đón đợt rét cường độ mạnh. Đến thời điểm hiện nay đã là cuối tháng 5, đầu tháng 6, vẫn còn những đợt mưa lớn kèm theo gió lạnh.
Thường vào thời điểm này, Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung trời đã rất nắng nóng, thậm chí có những ngày thời tiết oi bức, ngột ngạt và đánh dấu những ngày hè cao điểm. Thế nhưng năm nay, mùa hè đến khá trễ. Thậm chí theo một số dự đoán, kiểu thời tiết đặc trưng với cái nóng oi bức như xưa có thể sẽ không còn.
Một bức ảnh vệ tinh của NASA chụp lại cơn bão Dorian được ghi nhận vào năm 2019. (Ảnh: Getty Images).
Nguyên nhân khiến xảy ra kiểu thời tiết này vẫn còn đang là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia trên thế giới, việc liên tục xuất hiện kiểu thời tiết trái mùa, biến đổi không rõ quy luật, chính là một trong những ảnh hưởng rõ nhất của biến đổi khí hậu.
Spencer Weart, một nhà sử học và là Giám đốc đã nghỉ hưu của Trung tâm Vật lý Lịch sử tại Viện Vật lý học Hoa Kỳ ở College Park (Mỹ) khẳng định thời tiết đang trở nên "tồi tệ hơn" đối với người dân ở Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Trái đất xảy ra hiện tượng này. Ở kỷ Trias (cách đây 252 triệu đến 201 triệu năm) có thể đã chứng kiến một đợt biến đổi khí hậu khủng khiếp, kết thúc bằng một trận mưa kéo dài hàng triệu năm.
Không chỉ vậy, vào cuối kỷ Phấn trắng (cách đây 145 triệu đến 66 triệu năm trước), nhiệt độ của Trái đất đã tăng vọt trong suốt hơn 100.000 năm do lượng khí carbon dioxide khổng lồ sinh ra sau vụ va chạm giữa một tiểu hành tinh với bề mặt hành tinh của chúng ta. Sự kiện này rốt cuộc đã khiến loài khủng long tuyệt chủng.
Rõ ràng, lịch sử cho thấy những biến động của khí hậu là đủ lớn để tạo ra sức hủy diệt khủng khiếp, và tới ngày nay, một lần nữa điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhân loại.
Dựa trên dữ liệu thực nghiệm và các mô phỏng hiện đại, các nhà khí tượng học dự đoán rằng thời tiết khi chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ trở nên nóng hơn, lạnh hơn, cực đoan hơn, hỗn loạn hơn và nói một cách khác là "tồi tệ hơn".
Nhiều con phố Hà Nội ngập sâu trong cơn mưa chiều 29/5. (Ảnh: Toàn Vũ)
Weart chỉ ra rằng các cơn bão nghiêm trọng ở Bắc Đại Tây Dương, vùng Caribe và Mỹ trong những năm gần đây, cũng như các cơn bão, hoặc áp thấp nhiệt đới trên khắp thế giới chính là những ví dụ cho thấy thời tiết đang dần xấu đi. "Dễ thấy rằng ở khắp mọi nơi, các cơn bão đang trở nên tồi tệ hơn", Weart nói.
Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác lại liên tục thiết lập kỷ lục mới. Điển hình như đợt nắng nóng năm 2018 ở Nhật Bản khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, có khả năng sẽ trở nên phổ biến hơn, Weart lưu ý.
Đáng chú ý, mặc dù nghe có vẻ trái ngược, nhưng hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể gây ra những kiểu khí hậu lạnh hơn. Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Khoa học cho thấy một khi Bắc Cực ấm lên, sẽ sinh ra cơn gió lạnh, tạo ra mùa đông khắc nghiệt hơn ở Bắc Bán cầu.
Từ đó, biến đổi khí hậu có thể phá vỡ các hệ thống thời tiết đến mức Trái đất biến thành một thế giới "hỗn loạn", không thể cứu vãn được, dựa theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây.
"Chúng ta đột nhiên trở thành nhân vật chính trong một bộ phim khoa học viễn tưởng, khi chỉ có bạn mới có thể cứu nền văn minh khỏi thảm họa toàn cầu", Weart nói. "Nhưng có điều, nó không phải là khoa học viễn tưởng".