Loài cá bơi nhanh nhất đại dương: Sánh ngang "vua tốc độ" của thảo nguyên
Điều thực sự khiến loài cá này trở nên khác biệt là bởi hệ thống vô số những vây được sắp xếp chính xác dọc theo cơ thể.
Vua tốc độ dưới đáy biển
Có hàng ngàn loài cá dưới đáy biển, song chỉ một loài cá duy nhất vẫn giữ được danh hiệu loài cá bơi nhanh nhất qua nhiều thế kỷ. Đó là cá buồm (sailfish), tên khoa học là Istiophorus platypterus.
Cá buồm có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 125km/h dưới nước. (Ảnh: Getty).
Tên gọi của loài cá này được truyền cảm hứng nhờ mảng vây lưng rất to và đặc trưng của nó, khi trông khá giống với cánh buồm của một con tàu.
Loài cá này sống ở vùng nước ấm của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhờ sở hữu hình dạng thuôn gọn và cơ đuôi mạnh mẽ, nó có thể đẩy nước và đạt vận tốc tối đa lên tới 125km/h.
Đây cũng là tốc độ tương đương với báo gê-pa (hay báo săn), vốn được biết đến là loài động vật chạy nhanh nhất trên cạn. Bởi vậy mà chúng được đặt cho biệt hiệu "vua tốc độ" của thảo nguyên.
Cá buồm thường tấn công những con cá nhỏ hơn bằng cách lao về phía chúng, rồi dùng chiếc mỏ nhọn, thuôn dài của mình để đâm vào nạn nhân.
Cánh buồm của loài cá này thường được gập xuống khi chúng bơi, và chỉ nâng lên khi tấn công con mồi. Cánh buồm được nâng lên đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm dao động của phần đầu sang một bên.
Điều này có khả năng là để làm cho nạn nhân khó phát hiện ra kẻ săn mồi đang tiến tới. Theo đó, chiến lược này cho phép cá buồm lại gần đàn cá, hoặc thậm chí tiến vào giữa đàn cá mà không bị con mồi chú ý trước khi tấn công chúng.
Trong đa số trường hợp, cá buồm không giết chết con mồi ngay lập tức, mà chỉ khiến chúng bị trọng thương. Điều đó làm giảm tốc độ bơi của chúng, khiến chúng bị bỏ lại, và rốt cuộc sẽ nạp mạng cho kẻ đi săn.
Điểm khác biệt về cấu trúc
Cấu trúc đặc trưng của cá buồm với hệ thống rất nhiều các vây. (Ảnh: Wikipedia).
Việc là loài cá bơi nhanh nhất dưới nước đã khiến cá buồm trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trong suốt một thời gian dài.
Họ sớm nhận ra rằng, điều thực sự khiến chúng trở nên khác biệt so với các loài cá khác là bởi hệ thống vô số những vây được sắp xếp chính xác dọc theo cơ thể.
Tại đó, vây lưng của chúng giống như cánh buồm nhô ra từ phía sau, còn vây ngực ở hai bên, đóng một vai trò quan trọng trong khả năng điều hướng và ổn định vận tốc.
Trong khi đó, vây đuôi và vây hậu môn của cá buồm cung cấp lực đẩy về phía trước. Đây là điều rất cần thiết để đạt được tốc độ tối đa vượt trội.
Nhìn chung, hệ thống vây này giúp cá buồm băng qua dòng nước với lực cản tối thiểu, cũng giống như cách mà nhiều loài động vật nép mình để cản bớt gió khi chúng chạy trên cạn.
Bên dưới cơ thể bóng bẩy của loài cá này là những chiếc gai xương được bố trí hoàn hảo, đã làm tăng thêm tính toàn vẹn, khi cho phép chúng đạt được tốc độ bùng nổ mà không tổn hại đến các cơ quan bên trong.
Mặc dù có thể sử dụng tốc độ để đi săn, cũng như né tránh kẻ thù một cách hiệu quả, song cá buồm vẫn nằm trong danh sách các loài dễ bị tổn thương.
Nguyên nhân là bởi chúng phụ thuộc vào các rạn san hô làm nơi kiếm ăn và sinh sản. Trong khi đó, quần thể san hô tại nhiều khu vực lại đang có dấu hiệu bị tổn thương và suy giảm, kéo theo sự biến mất của loài này khỏi khu vực đó.