Loài cá chưa tới 10cm, sống không quá 2 năm, xâm lấn khiến nước Mỹ “tuyển” robot truy đuổi
Loài cá này đã khiến ít nhất 3 quốc gia liên kết với nhau để tìm ra giải pháp ngăn chặn chúng.
Một liên minh bao gồm các nhà sinh vật học và kỹ sư đến từ Đại học Tây Úc, ĐH New York (Mỹ) và ĐH Padova (Ý) đã kết hợp để tìm giải pháp đối phó với một loài cá bé nhỏ nhưng có thể gây ra nỗi sợ hãi lớn cho các loài bản địa tại 3 quốc gia này. Loài cá khiến cho các nhà khoa học của 3 quốc gia này phải "đau đầu" chính là cá muỗi, một loài cá nước ngọt. Sau một thời gian nghiên cứu, họ quyết định dựa vào kẻ thù tự nhiên của nó là cá vược miệng lớn. Bước đầu, các nhà khoa học đã chế tạo ra vài con cá robot mô phỏng theo hình dáng và chuyển động của cá vược miệng lớn để thử nghiệm truy đuổi những con cá muỗi. Vậy loài cá muỗi này có gì đáng sợ mà các chuyên gia phải "tuyển" cả robot để ngăn chặn?
Loài cá muỗi chính là "thủ phạm" khiến các nhà khoa học phải "nhờ" tới robot để ngăn chặn sự xâm lấn của chúng. (Ảnh: Pixabay)
Cá muỗi là loài cá gì?
Cá muỗi hay còn gọi là cá ăn muỗi, cá tuế, chúng có tên khoa học là Gambusia Affinis. Cùng với loại cá bảy màu, đẻ noãn thai sinh (tức là đẻ con), chúng thuộc họ Poecillidae. "Cá muỗi" được đặt tên như vậy bởi vì chế độ ăn của loài cá này có tập tính săn muỗi và ấu trùng muỗi. Ngoài ra, chúng còn thường ăn động vật phù du, bọ cánh cứng, cánh phù du, bộ Cánh lông, ve bét và các loài không xương sống; ấu trùng muỗi chỉ chiếm một phần nhỏ trong chế độ ăn uống của chúng.
Cá ăn muỗi rất nhỏ, mảnh dẻ giống như lá liễu. Thân màu vàng sáng hơi ánh xanh, bụng phình to. Cá trưởng thành dài tối đa 8cm, nhưng đa số dài khoảng 5cm. Nó có răng rất nhỏ, miệng hơi nhọn, mắt to, thuộc giống cá đẻ con. Vây lưng và bụng nằm gần gốc đuôi. Con đực có cơ quan sinh dục dài, con cái ngắn và tròn.
Cá muỗi là loài cá nước ngọt chuyên săn ấu trùng muỗi và muỗi. (Ảnh: Pixabay)
Cá muỗi phù hợp sống ở nhiệt độ nước 18-28°C. Giống cá này có khả năng phát ra tiếng động nhờ bong bóng cá. Tính cách tương đối hung hãn, thường tấn công các giống cá kích thước tương đương. Ban ngày chúng thường lặn xuống đáy, đến đêm bắt đầu ngoi lên kiếm mồi. Tháng 4-5 hàng năm cá bắt đầu di cư vào khu vực gần bờ để chuẩn bị sinh sản. Cá muỗi không có dạ dày, cơ quan tiêu hóa ngắn và sơ khai. Do đó chúng có thể ăn một lượng lớn bọ gậy so với kích thước cơ thể của mình.
Cá muỗi đẻ con, mỗi lần đẻ với số lượng lớn và chu kỳ sinh sản rất ngắn. Cá bột sau khi sinh ra chỉ khoảng 1 tháng đã đạt tới tuổi trưởng thành, bắt đầu sinh sản lứa tiếp theo. Mùa sinh sản của cá muỗi vào tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, chủ yếu là tháng 5-9. Mỗi lứa cá cách nhau 30-40 ngày, mỗi lần cá đẻ 30-50 cá bột.
Cá muỗi đẻ con, mỗi lần đẻ với số lượng lớn và chu kỳ sinh sản rất ngắn. (Ảnh: Pixabay)
Vào mùa lạnh, nhiệt độ nước hạ thấp, cá muỗi thường tìm nơi có bụi rậm để trú ẩn hoặc trốn xuống bùn. Cho dù thiếu dưỡng khí chúng vẫn có thể tồn tại được. Khi đến mùa xuân, ấu trùng muỗi và sinh vật phù du phát triển trở lại cũng là lúc cá rời khỏi hang. Lúc này lượng thức ăn dồi dào đủ cung cấp cho chúng chuẩn bị vào mùa sinh sản.
Cá muỗi có khả năng thích nghi rất mạnh và dễ nuôi. Loài cá này có nguồn gốc từ Trung Mỹ, nhưng do đặc điểm diệt ấu trùng muỗi rất hiệu quả nên chúng đã được đưa đến nhiều vùng khác nhau ở các nước trên thế giới.
Loài cá được đúc tượng đồng vinh danh
Tổng cộng, có hơn 40 loài cá muỗi trong tự nhiên. Nó sống chủ yếu ở các vùng nước ngọt, nhưng đồng thời nó có thể tồn tại trong môi trường hơi mặn. Chúng có thể sống tốt ở các hồ, ao, cửa sông tự nhiên và nhân tạo, thậm chí là các vũng nước ven đường. Nếu con cá muỗi sợ hãi điều gì đó, nó sẽ trốn trong đất vì sợ hãi và thậm chí có thể thay đổi giới tính trong một thời gian (trong hai hoặc ba tuần).
Loài cá này khi sợ hãi có thể thay đổi giới tính trong một thời gian (trong hai hoặc ba tuần). (Ảnh: Pixabay)
Cá muỗi sống rất khỏe, chúng có thể sống trong môi trường nước có tính axit yếu hoặc nước muối 3%. Cho dù trong nước mức oxy gần đến mức 0 hoặc thường xuyên thiếu dưỡng khí, chúng vẫn có thể phát triển. Cá muỗi sống được ở nhiệt độ 4,5 đến 40 độ C, tuy nhiên lý tưởng nhất là 18 đến 30 độ C.
Ở nhiệt độ ổn định, một con cá muỗi một ngày có thể ăn 40-100 bọ gậy. Nhiều nhất là 200 con, chúng nổi tiếng là thiên địch của muỗi. Nhờ có sự giúp sức của cá muỗi, sự lây lan của bệnh sốt rét đã bị ngăn chặn. Thành phố Sochi của Nga đã dựng một bức tượng đồng để vinh danh loài cá muỗi đã giữ cho địa phương của họ không có trường hợp nào mắc bệnh sốt rét trong suốt hơn 60 năm.
Tại Úc, cá muỗi thường gặm đuôi của loài nòng nọc bản địa khiến chúng chết. (Ảnh: Pixabay)
Cá muỗi từng là loài cá được chào đón ở nhiều quốc gia, thế nhưng, vì chúng phát triển quá nhanh đồng thời gây ra nhiều thiệt hại lớn nên nhiều nước đã tìm cách đối phó với chúng.
Chẳng hạn như ở Úc, cá muỗi bắt đầu sinh sôi quá mạnh và tiêu diệt một số loài cá khác, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái. Do đó, các quan chức chính phủ đã đưa ra quyết định cấm nuôi và bán cá muỗi.
Tại các quốc gia như Úc, Mỹ và Ý, cá muỗi thường gặm đuôi của các loài cá khác và nòng nọc. Từ đó, khiến các loài sinh vật này không thể tiếp cận thức ăn. Khi không còn đuôi, những loài này không thể bơi và giành thức ăn với cá muỗi. Không thể kiếm ăn, các sinh vật bản địa sẽ chết đói. Cá muỗi cũng gây áp lực lên các quần thể khác bằng cách ăn trứng của cá và ếch.
Các quốc gia đã sử dụng cách truyền thống là đặt bẫy và dùng hóa chất để kiểm soát loài cá này nhưng không thành công. (Ảnh: Pixabay)
Cá muỗi không chỉ ăn hỗn hợp khô đặc biệt dành cho cá cảnh mà còn ăn cả giun máu, ấu trùng muỗi và các loại côn trùng khác bắt được trong khu vực chúng sống. Số lượng cá muỗi đã tăng vọt khắp các hồ và sông nước ngọt trên khắp thế giới, và chúng gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các loài cá và lưỡng cư bản địa. Chúng cạnh tranh nguồn thức ăn, môi trường sống, làm suy giảm nguồn gene, phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống; truyền bệnh và ký sinh trùng,... gây tổn thất về các giá trị đa dạng sinh học, làm tổn thất không nhỏ về kinh tế, sức khỏe và làm giảm năng suất nông nghiệp. Các quốc gia đã sử dụng cách truyền thống là đặt bẫy và dùng hóa chất để kiểm soát cá muỗi nhưng không thành công, thậm chí còn gây hại cho các loài bản địa.
"Tuyển" cá robot để đối phó với cá xâm lấn
Vì vậy, các nhà khoa học đến từ Mỹ, Úc, Ý đã chế tạo robot cá vược làm bằng cao su được gắn trên một trục thẳng đứng trong suốt với một nam châm ở phía dưới. Robot được đặt trong một bể chứa đầy nước, bên dưới là một cục nam châm khác có tác dụng gắn nam châm của robot vào đáy bể. Các nhà khoa học sử dụng động cơ và thiết bị để di chuyển nam châm. Nhờ đó, giúp robot có thể di chuyển theo nhiều hướng.
Cận cảnh một con cá robot được chế tạo để săn đuổi loài cá muỗi xâm lấn. (Ảnh: Pixabay)
Cá robot được lập trình để cung cấp phản hồi theo thời gian thực và bắt chước hành vi săn mồi bằng cách bơi với tốc độ nhanh hơn. Trong 5 tuần thử nghiệm, những con cá ăn muỗi bị robot đuổi theo dần miễn cưỡng hơn khi tiếp cận nòng nọc. Tình trạng này tồn tại ngay cả khi robot không xuất hiện. Những con cá ăn muỗi có biểu hiện căng thẳng và sụt cân khi bị robot rượt đuổi. Cơ thể chúng gầy hơn và giảm khả năng sinh sản. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của cá ăn muỗi trong môi trường.
Mặc dù vậy, đại diện nhóm các chuyên gia cho biết: "Dù thành công trong việc ngăn chặn cá muỗi nhưng cá robot vẫn chưa sẵn sàng để thả vào tự nhiên." Họ cũng hy vọng rằng việc sử dụng cá robot để tiết lộ những điểm yếu của một loài cá muỗi sẽ mở ra cánh cửa để cải thiện các hoạt động kiểm soát sinh học và chống lại các loài xâm hại.