Loài cây săn mồi có cơ chế đặt bẫy hoàn hảo nhất: Tua siêu dài, cuốn thẳng mồi "miệng" đầy acid
Drosera glanduligera là một loài thực vật ăn thịt thuộc chi Gọng vó (Drosera). Tuy nhiên, nó chỉ có ở Australia chứ không dàn trải khắp thế giới (trừ Châu Nam Cực) như các loài gọng vó khác.
Tuyệt đỉnh cao thủ trong nhà thực vật bắt mồi
Vốn dĩ, gọng vó đã lừng danh là loài thực vật bắt mồi khôn ngoan nhất. Với phiến lá dày đặc các xúc tu treo những quả bóng chất nhầy siêu dính dấp, nó giữ chặt bất cứ sinh vật nhỏ nào xui xẻo lỡ xa chân.
Để dẫn dụ con mồi, gọng vó giải phóng mùi ngọt mê hoặc. Lá của chúng cực kỳ linh hoạt. Ngay khi nhận được tín hiệu "dính bẫy" từ các xúc tu thì liền co cuộn lại, quấn chặt cơ thể kẻ tham ăn bị mắc lừa.
Ngay khi nhận được tín hiệu "dính bẫy" từ các xúc tu thì liền co cuộn lại, quấn chặt con mồi.
Qua chừng 15 phút, lá gọng vó đã bóp con mồi chết ngạt. Từ trong thân cây, các enzyme tiêu hóa được huy động, sẵn sàng phân hủy cái xác. Hỗn hợp chất dinh dưỡng được thẩm thấu qua bề mặt lá vào bên trong, đưa đi nuôi dưỡng các bộ phận khác của cây.
Là một thành viên trong nhà gọng vó, Drosera glanduligera cũng sở hữu mọi năng lực bẫy bắt trời phú này. Tuy nhiên để sinh trưởng tốt hơn trong môi trường Australia, nó còn nâng cấp kỹ năng, hoàn thành cơ chế bẫy bật mà không anh em gọng vó nào có được.
Lớp xúc tu rìa lá cực dài và biết bật
Ở Australia, Drosera glanduligera có mặt khắp bang Tasmania và phía Tây Nam, Đông Nam. Hạt giống của nó không kén đất, miễn có chỗ bám rễ là liền nảy mầm.
Không như các loại hạt giống khác chờ tiết xuân ấm áp, hạt Drosera glanduligera ưa lạnh, phải trong điều kiện cực lạnh mới chịu tách vỏ.
Mùa đông, trong khi vạn vật hãy còn say giấc cho qua băng giá, hạt Drosera glanduligera cựa mình. Khi xuân vừa sang, nó đã đầy đủ lá non, sẵn sàng tóm cổ bất cứ con mồi nào lai vãng để thỏa mãn cơn đói khát.
Hạt Drosera glanduligera ưa lạnh, phải trong điều kiện cực lạnh mới chịu tách vỏ.
Như mọi loại gọng vó, lá Drosera glanduligera cũng chật như nêm các lớp xúc tu nhầy nhụa chất dịch siêu dính. Bất cứ con mồi nào lỡ đáp chân xuống phiến lá la liệt xúc tu như bàn chông này cũng lập tức "không cất nổi mình mà bay". Chúng bị mọi chiếc xúc tu dài ngắn khác nhau nhiệt tình tóm giữ và dần dà tiêu hóa sạch sẽ.
Nhưng khác với mọi loại gọng vó, lá Drosera glanduligera còn sở hữu một lớp xúc tu rìa ngoài siêu dài sở hữu cơ chế bật cực kỳ độc đáo. Chúng vươn ra xa hết mức có thể, gia tăng phạm vi bắt mồi cho thân cây. Chỉ cần kẻ xấu số lỡ chạm trúng vào là lập tức bị tóm dính, "cẩu" siêu tốc ngay vào trung tâm, nơi có la liệt các xúc tu đang hau háu đón đợi.
Sức bật của những xúc tu rìa ngoài cũng mạnh đến nỗi có khả năng bị gãy sau cú hất. Có điều cái giá này cũng không đắt gì lắm, bởi Drosera glanduligera có thể tái sinh chúng.
Cây một năm, chỉ một lần ra hoa kết trái rồi lụi tàn
Suốt mùa xuân-hè, Drosera glanduligera tích cực bẫy bắt, tóm ném côn trùng, đem dinh dưỡng nuôi thân béo mập. Bắt đầu từ khoảng tháng 8, nó mọc lên một chồi nụ non cũng béo mập như thân cây.
Drosera glanduligera đạt kích thước cao nhất, tối đa 6cm.
Qua thời gian, các nụ hoa ngày càng lớn, cuối cùng lần lượt thay phiên nhau bung những cánh màu cam lộng lẫy. Cũng trong khoảng thời gian này, Drosera glanduligera đạt kích thước cao nhất, tối đa 6cm.
Đến khoảng tháng 11, quả Drosera glanduligera đã sẵn sàng vào hạt. Những chiếc lá bẫy mồi tàn lụi dần, tiếp đến là nhánh cây đang giữ trái.
Trên mặt đất, hạt Drosera glanduligera kiên nhẫn đợi chờ tiết mùa đông đạt mức lạnh nhất. Sớm thôi, nó sẽ nảy mầm, lại xòe ra những chiếc lá tròn xoe lớp lớp xúc tu xếp vòng trong vòng ngoài như bông hoa màu xanh non mỡ màng.
- Phát hiện loài cây ăn thịt đáng sợ tại Canada
- Video: Lạc vào thế giới các loài cây ăn thịt