Lý do người trẻ cũng bị máu nhiễm mỡ
Di truyền, chế độ ăn uống và trọng lượng cơ thể ảnh hưởng đến lượng cholesteroll cũng như tình trạng mỡ máu của người ở độ tuổi 20.
Nhìn chung, tình trạng cholesterol cao thường phổ biến ở lứa tuổi trung niên hoặc người già. Tuy nhiên, người trẻ, thậm chí trẻ nhỏ, có thể bị tăng lipid máu, còn gọi là tăng cholesterol máu. Theo nghiên cứu năm 2020, tuổi càng nhỏ nhưng mức cholesterol cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong suốt cuộc đời càng lớn.
Các chuyên gia phát hiện tổn thương động mạch do cholesterol LDL (xấu) tăng cao có thể tích lũy theo thời gian. Như vậy, việc điều trị sớm trở nên đặc biệt quan trọng.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Đại học Tim mạch Mỹ cho thấy 26,3 triệu thanh niên Mỹ (từ 18 đến 39) tuổi có cholesterol LDL (xấu) cao, vào năm 2021, chiếm 27% dân số ở độ tuổi này. Tăng lipid máu thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy cách duy nhất để biết bạn có mắc bệnh hay không là xét nghiệm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Đôi khi, hàm lượng cholesterol cao khi còn trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào di truyền. Tăng cholesterol máu trong huyết thống là tình trạng di truyền khiến cơ thể tái chế cholesterol LDL một cách bất thường. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cứ 200 người trưởng thành thì một người mang đột biến gene này. Nếu không được điều trị, nó thường phát triển thành bệnh tim và mạch vành.
Đối với một số người, yếu tố lối sống khác đóng vai trò chính gây cholesterol cao, chẳng hạn:
- Béo phì.
- Thói quen hút thuốc lá.
- Tiền sử dùng một số loại thuốc.
- Lối sống ít vận động.
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung (và ít chất xơ) cũng đặc biệt tăng rủi ro bị cholesterol cao.
Bệnh tiểu đường cũng ảnh hưởng đến chỉ số cholesterol. Tình trạng này được gọi là rối loạn lipid máu do tiểu đường, làm tăng cholesterol LDL (có hại) và giảm cholesterol HDL (có lợi).
Mô phỏng tắc nghẽn động mạch do lượng cholesterol cao. (Ảnh: Adobe Stock).
Người trẻ có nhiều lựa chọn để điều trị tình trạng cholesterol cao. Một số phương pháp gồm:
- Duy trì cân nặng vừa phải.
- Ăn chế độ ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, natri và đường bổ sung.
- Ăn nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa.
- Không hút thuốc.
- Giảm tiêu thụ rượu.
- Dùng statin hoặc các loại thuốc giảm cholesterol khác.
- Tăng cường hoạt động thể chất lên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Những tác hại của máu nhiễm mỡ cực kỳ nguy hiểm