Mất trí nhớ vì xáo trộn đồng hồ sinh học
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy những người thường xuyên đi máy bay đường dài qua nhiều kinh tuyến thường phải mất cả tháng trời mới phục hồi phần nào trí nhớ.
Phó giáo sư Lance Kriegsfeld của Đại học California là chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên. Ông cho biết “jet-lag” là hiện tượng mệt mỏi do xáo trộn đồng hồ sinh học của cơ thể sau một chuyến bay dài qua nhiều múi giờ. Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp về tác động lâu dài của những thay đổi trong nhịp sống tới não bộ cho thấy, hiện tượng suy giảm chức năng não cũng có thể xảy ra ở những người thường làm việc ca đêm, hoặc thời gian biểu không cố định. Do đó, những người liên tục bị phá vỡ nhịp sinh học hàng ngày - trong đó có tiếp viên hàng không, nhân viên y tế trong bệnh viện, hay công nhân làm việc theo ca - đều dễ bị ảnh hưởng lâu dài tới hành vi và chức năng nhận thức.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành trên những chuột cái Hamster. Chuột Hamster được chọn là đối tượng nghiên cứu vì chúng có nhịp sinh học hàng ngày chính xác và được kiểm soát bởi đồng hồ sinh học có chu kỳ 24 giờ, tương tự như đồng hồ sinh học của con người.
Đối tượng nghiên cứu là một nhóm chuột cái Hamster
Những “cô” chuột đã phải trải qua chênh lệch 6 múi giờ - tương đương với đường bay từ Paris tới New York. Việc thay đổi thời gian này diễn ra cứ hai lần một tuần và kéo dài trong 1 tháng trời ròng rã. Kết quả cho thấy, nhóm chuột Hamster “đối tượng nghiên cứu” đã tỏ ra mệt mỏi, lơ đãng hơn nhiều so với nhóm chuột Hamster “đối chứng”. Đáng ngạc nhiên là nhóm chuột “đối tượng nghiên cứu” phải mất cả tháng sống trong điều kiện bình thường mới có thể “phục hồi trí nhớ”.
Phải mất cả tháng trời mới bớt lơ đễnh và phục hồi trí nhớ
Lý giải hiện tượng trên, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã lần ra dấu vết những thay đổi về suy giảm neutron thần kinh ở “đồi Hải mã” - vùng não bộ có vai trò quan trọng trong việc giữ và gợi lại trí nhớ về cảm xúc và nhận thức. Theo đó, so với nhóm chuột Hamster có lịch sinh hoạt ổn định, nhóm chuột thường xuyên phải chịu đựng chênh lệch múi giờ chỉ hình thành một nửa số neutron thần kinh mới ở “đồi Hải mã” trong vòng một tháng, sau khi phải thường xuyên trải qua tình trạng “jet-lag”.
Không chỉ có vậy, các nghiên cứu khác cho thấy, những người thường xuyên phải bay qua nhiều múi giờ còn có biểu hiện mất trí nhớ hoặc giảm khả năng học tập, thậm chí xuất hiện hiện tượng teo thùy não thái dương. Các nhà khoa học khẳng định, chính chênh lệch múi giờ đã làm giảm sự hình thành và phát triển tế bào thần kinh ở “đồi Hải mã” và có thể dẫn tới nguy cơ giảm thiểu chức năng ở khu vực não bộ này.
Phát hiện mới này có thể lý giải phần nào nguyên nhân khiến những công nhân thường xuyên phải làm ca kíp và những người thường đi máy bay đường dài… thường phản ứng chậm chạp và dễ bị mắc các căn bệnh như tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp, bệnh ung thư và suy giảm chức năng sinh sản.
Để giảm thiểu những tác động có hại này, phó giáo sư Kriegsfeld khuyến cáo, những người thường xuyên phải thay đổi đồng hồ sinh học nên dành một ngày nghỉ ngơi cho mỗi giờ chênh lệch. Những công nhân làm ca đêm nên ngủ trong một căn phòng tối yên tĩnh để cơ thể có điều kiện thích nghi với thời gian làm việc thay đổi trong cuộc sống “lấy đêm làm ngày và lấy ngày làm đêm”.