Món ăn từ phòng thí nghiệm
Với Modern Meadow, một công ty khởi nghiệp sản xuất thịt nhân tạo, thách thức lớn nhất chính là thuyết phục khách hàng ăn loại thịt làm từ phòng thí nghiệm thay vì từ trang trại chăn nuôi như trước.
>>> Video: Burger thịt bò nhân tạo giá 7 tỷ đồng
Đây là chuyện có thể xảy ra trong thời đại này, khi công nghệ hiện đại không ngừng bủa vây chúng ta. Chúng ta liên tục “lên đời” điện thoại, kết nối với nhau qua mạng Facebook, chi trả mua sắm online, yêu cầu những biện pháp điều trị y tế hiện đại nhất khi ốm và lái những chiếc xe có tính năng điều khiển còn hơn hệ thống từng đưa các phi hành gia Apollo lên mặt trăng.
Nhưng với nhiều người thì thực phẩm lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Chúng ta muốn đồ ăn hoàn toàn tinh khiết, không chất phụ gia, hóa chất độc hại và thật sự tự nhiên – một thuật ngữ tưởng như chứa đựng nhiều điều nhưng thực chất lại chẳng có ý nghĩa gì. Thực phẩm biến đổi gene hiện đang gợi cho chúng ta nhiều lo lắng. Theo cách nói của nhà báo có nhiều ảnh hưởng Michael Pollan thì chúng ta tránh ăn bất cứ thứ gì mà “cụ kỵ ta không coi là đồ ăn".
Và theo một điều tra của Pew Research, chỉ 20% người Mỹ muốn ăn thịt làm từ phòng thí nghiệm.
Đó là vấn đề của Andras Forgacs. Ông là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Modern Meadow, một công ty khởi nghiệp ở Brooklyn dựa trên kỹ thuật nuôi cấy mô – còn gọi là nuôi cấy tế bào hoặc sản xuất sinh học (biofabrication) – để tạo ra những sản phẩm ít đòi hỏi đầu tư vào chuồng trại, nước, năng lượng và hóa chất như việc chăn nuôi các loại gia súc theo phương pháp truyền thống.
Hơn nữa, Forgacs cho biết, để có được sản phẩm, công ty ông sẽ không cần đến việc giết mổ gia súc.
Modern Meadow đang nỗ lực làm việc để sáng tạo ra loại thực phẩm ngon từ phòng thí nghiệm
Chế ngự nỗi lo từ sản xuất
Những công ty khởi nghiệp khác lo lắng về phản ứng của khách hàng với thực phẩm kiểu như thế này. Một số công ty trong số này như Beyond Meat, Hampton Creek và Impossible Foods đang phát triển sản phẩm mà theo họ là những lựa chọn phù hợp với môi trường hơn thực phẩm từ động vật, vốn đang bị đe dọa ngày càng tăng về nguồn cung. Và trong tiến trình này, họ đang phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để đối phó với phản ứng của khách hàng.
Kế hoạch của Modern Meadow là khởi động việc nuôi cấy da. Như lời giải thích của Forgacs thì kỹ thuật chế tạo da trong phòng thí nghiệm dễ hơn nhiều so với việc làm ra thịt, ít phải đối mặt với những rào cản về mặt pháp lý – và quan trọng nhất – là dễ được người tiêu dùng chấp nhận hơn.
“Người ta thường có những quan điểm thâm căn cố đế về thực phẩm, đặc biệt với thực phẩm được làm từ những công nghệ mới", Forgacs cho biết. “Họ lại ít làm như vậy với những loại vật liệu mới và thường say mê những thứ như Gore-Tex [sợi không thấm nước được đăng ký độc quyền của W. L. Gore and Associates vào năm 1969] và sợi carbon”.
Cũng như những nhà sản xuất vật liệu tiên tiến khác, Modern Meadow hy vọng sẽ góp phần cải thiện thiên nhiên. Gia súc vốn không tiến hóa để phù hợp với việc sản xuất giày, túi xách hoặc bánh mì kẹp thịt. “Chúng tôi đang thúc đẩy mọi khâu thiết kế và nâng cao năng suất”, Forgacs hé lộ.
Từ da đến bữa ăn
Sau khi tự sản xuất ra da, theo lời Forgacs, bước tiếp theo của công ty sẽ là chế tạo thịt. Dĩ nhiên ban đầu thì chỉ sản xuất với khối lượng nhỏ, quy mô nhỏ hoặc không vì mục đích thương mại.
Sản phẩm thịt đầu tiên này là một “khoanh mỏng thịt bò”, một miếng đồ ăn nhanh từ phòng thí nghiệm của Modern Meadow, được Forgacs miêu tả như một “cú đột nhập vào nhà bếp”. Vị của nó giống như bánh Tortilla từ bột ngô hơn là một miếng phi lê bò. “Chúng tôi đã mời 100 người thử nó và nay họ vẫn còn sống”, Forgacs hài hước.
Thực ra phần lớn những gì chúng ta ăn ngày nay đều là sản phẩm của công nghệ. Hạt giống đều được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm, cho dù theo những phương pháp truyền thống hay biến đổi gene. Các cánh đồng được canh tác bằng máy kéo có thiết bị GPS hướng dẫn, nước và phân bón được tưới tiêu và đo đếm bằng các loại máy móc chính xác và thực phẩm được phân phối thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số công nghệ không thể kiểm soát được hết quy trình, khiến cho đồ ăn có nhiều muối, đường hoặc chất béo hơn sự cần thiết của con người. Còn một số công nghệ khác lại hỗ trợ người nghèo trên thế giới. Nhưng dù tốt hay xấu thì chúng ta không thể ăn mà thiếu đi yếu tố công nghệ. “Một nhà bếp ẩn chứa nhiều công nghệ, Forgacs nói “Lò vi sóng là công nghệ hay máy xay sinh tố cũng là công nghệ".
Điều đó hé lộ rằng, Forgacs nhận thức được những điều thôi thúc Modern Meadow đưa đồ ăn vào một địa hạt mới – và trong suy nghĩ của mình, ông muốn tiến hành mọi việc thật cẩn thận. Doanh nghiệp khởi nghiệp này được thành lập vào năm 2011, hiện là hợp tác thứ hai của ông với cha mình, Gabor Forgacs, một nhà vật lý chuyển hướng sang làm kỹ sư sinh học đang giảng dạy ở ĐH Missouri. Công ty trước của họ, Organovo, thiết kế và sản xuất mô chủ yếu cho nghiên cứu y học.
Sau Organovo, Andras Forgacs tới Trung Quốc, nơi ông nhìn thấy sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu với nhu cầu về thịt. “Mức tiêu thụ thịt đã tăng lên đáng kể trong khi giá thành giảm xuống”, ông cho biết.
Forgacs nhận ra rằng, thật không may là cách sản xuất ra thịt kiểu Mỹ hiện nay không đủ khả năng cung cấp protein cho con người – và nỗ lực bắt chước nó của Trung Quốc không đem lại lợi lộc gì. “Môi trường trong lành ở các thành phố như Thượng Hải hay Bắc Kinh đang suy giảm. Con người có thể duy trì trái đất như thế nào để không làm nó tệ hơn?”
Giải pháp của Modern Meadow là thu hút sự đầu tư từ Quỹ Thiel Foundation, do người đồng sáng lập PayPal là Peter Thiel điều hành; Sequoia Capital, quỹ đã ủng hộ nhiều công ty về công nghệ lớn hàng đầu thế giới; Artis Venture; Iconiq Capital; và gần đây nhất là Horizons Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm của Li Ka-shing. Horizons đã đầu tư cho Hampton Creek và Impossible Foods. “Ông ấy thấu hiểu vấn đề từ góc nhìn châu Á, nơi có vấn đề thực sự về mất cân bằng cung cầu”, Forgacs nhận xét.
Hiện tại thi quy mô Modern Meadow vẫn còn nhỏ, chỉ với 15 nhân công và tất cả đều ở Brooklyn. Dẫu sao Forgacs vẫn hy vọng sẽ mời khách hàng tới “để mọi người có thể đến và xem xúc xích được làm ra như thế nào. Lò giết mổ thì không làm điều đó”.
“Chúng tôi đang cần có được nhiều sự tin tưởng từ khách hàng”, ông nói. “Để có được nó, các công ty cần càng nhiều minh mạch càng tốt. “Đối với tôi, càng có nhiều khách hàng hiểu cách thức và những gì chúng tôi làm… sẽ càng minh bạch hơn, việc nhận diện nhãn hàng cũng tốt hơn”.
Tham khảo: The Guardian