Một món ăn "đặc sản" vào mùa: Người Việt mê tít nhưng tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, có thể gây tử vong
Mặc dù các món ăn "đặc sản" như châu chấu, cào cào rất ngon nhưng chuyên gia cũng cảnh báo rằng các món này có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cùng một loại côn trùng nhưng không phải con nào ăn vào cũng tốt cho sức khỏe. Đối với châu chấu thuộc họ côn trùng, nếu biết chế biến đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể ăn được. Tuy nhiên, chế biến không đúng cách ngược lại có thể gây độc cho người sử dụng.
Vị chuyên gia lưu ý mọi người không nên ăn cào cào, châu chấu để đảm bảo sức khỏe. Nếu thực sự muốn ăn thì mọi người cần phải biết cách xử lý bỏ ruột của cào cào, châu chấu để đảm bảo an toàn.
Đối với các loại côn trùng, những con có màu sắc sặc sỡ thường sẽ chứa độc tố trong cơ thể. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của côn trùng. Do vậy, đối với những con cào cào, châu chấu có màu sắc sặc sỡ thì mọi người cần phải lưu ý vì chúng có nguy cơ cao chứa độc tố.
Châu chấu chiên giòn (ảnh minh họa).
"Cào cào, châu chấu tại ruộng lúa thường sẽ không có chứa độc tố. Tuy nhiên, trong ruột của cào cào, châu chấu có chứa rất nhiều ký sinh trùng nội bào, nấm. Đây cũng là lý do khi chế biến cào cào, châu chấu, người ta thường phải dứt bỏ ruột.
Khi ăn cào cào, châu chấu, nếu không bỏ phần ruột thì nguy cơ mắc các bệnh lý do nhiễm nấm, ký sinh trùng (nội ký sinh) sẽ tăng cao", TS. Dũng nói.
Ngoài nguy cơ nhiễm nấm, ký sinh trùng, việc ăn châu chấu có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ. Có một số người rất mẫn cảm với một loại kháng nguyên có trong châu chấu, do đó nhóm này có thể bị sốc phản vệ nghiêm trọng ngay cả khi chỉ ăn lượng ít châu chấu.
Tình trạng sốc phản vệ cũng có thể là do mọi người ăn phải côn trùng đã chết nên cơ thể chúng sinh ra độc tố, côn trùng bị nhiễm nấm độc, côn trùng ăn phải các cây chứa nhựa độc hoặc côn trùng chứa sẵn độc tố và những độc tố này không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến. Ngoài ra, bản thân côn trùng được cấu tạo bởi nhiều protein lạ nên có thể gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm.
Triệu chứng ngộ độc, sốc phản vệ sau khi ăn côn trùng
Một số triệu chứng ngộ độc côn trùng có thể kể đến như: buồn nôn, nôn mửa, run tay chân. Các trường hợp nặng có thể xuất hiện triệu chứng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... Ngộ độc côn trùng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Vào tháng 8/2023, tại Nghệ An đã ghi nhận một trường hợp có tình trạng nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở, đau tức ngực. Bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn 15 phút, sau khi cấp cứu thì đã có mạch trở lại. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau 2 tiếng kể từ khi ăn châu chấu rang. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốc phản vệ do ăn châu chấu. Do tình trạng sốc phản vệ của bệnh nhân quá nặng nên sau đó bệnh nhân đã tử vong.
Trước đó, vào tháng 7/2023, một người đàn ông 30 tuổi, ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, sau khi ăn châu chấu rang đã xuất hiện tình trạng khó thở, tức ngực, toàn thân người bệnh có nhiều ban dị ứng màu đỏ, ngứa, môi và đầu tay chân tím, mệt mỏi, huyết áp tụt sâu. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau 30 phút kể từ khi ăn châu chấu rang. Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn định.