Một phần vỏ Trái đất bị mất tích, nó biến đi đâu được?
Một bí ẩn khiến các nhà khoa học bối rối trong hơn một thế kỷ: trong hồ sơ địa chất, những mảng lớn đất đá của vỏ Trái đất bị thiếu và nó ở đâu?
Bằng công nghệ hình ảnh vệ tinh chụp từ không gian, các nhà khoa học mới đây đã khám phá ra một phần vỏ Trái đất biến mất là do băng hà bị xói mòn nghiêm trọng.
Về vị trí hiện tại của những tảng đá bị mất tích, giới khoa học cho rằng chúng đã bị cuốn ra biển, theo trang tin Indy100.
Những tảng đá hàng trăm triệu năm tuổi ở Grand Canyon, Arizona (Mỹ) - (Ảnh: IFL SCIENE).
Sự kiện này xảy ra trong thời kỳ được gọi là "quả cầu tuyết Trái đất", khi gần như toàn bộ hành tinh bị băng tuyết bao phủ.
Hiện tượng xói mòn băng hà đã khiến trong trầm tích xuất hiện một khoảng trống. Đồng thời cũng làm tuổi của đá thay đổi mạnh ở một số nơi bị khuyết trong lớp vỏ Trái đất. Hệ quả này do sự xói mòn của lớp đá trước đó được thay thế bằng đá trẻ hơn.
Vào năm 1869, tại Grand Canyon ở Arizona (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện hiện tượng đá mất tích: tảng đá 500 triệu năm tuổi nằm trên những tảng đá 1.700 triệu năm tuổi và không có những tảng đá ở khoảng giữa hai thời điểm này.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Brenhin Keller từ Trung tâm Địa thời học Berkeley, giải thích rằng quy mô mất đá là rất lớn.
Cùng các đồng nghiệp, ông ước tính một tỉ km3 đá tiền Cambri đã bị mất tích.
Lý thuyết của các nhà khoa học cho thấy có nhiều sự xói mòn xảy ra trước khi bắt đầu kỷ nguyên Phanerozoic - còn gọi kỷ nguyên hiển sinh - và họ đưa ra bằng chứng cho thấy các tinh thể đá từ thời kỳ đó có đồng vị hafnium và oxy.
Những sự kiện này phù hợp với việc đá cũ bị xói mòn và lắng đọng ở nhiệt độ thấp dưới biển. Đồng thời đây là lý do tại sao có nhiều miệng hố tiểu hành tinh va chạm Trái đất có tuổi đời dưới 700 triệu năm và chỉ có 2 hố có niên đại lâu hơn thế.