Mùa bão Đại Tây Dương 2024 kết thúc, để lại thiệt hại nặng nề trên diện rộng
Mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 kết thúc vào ngày 2/11 sau khi chứng kiến liên tiếp 11 trận bão và gây ra nhiều thương vong vì thiên tai.
Theo hãng AP, các nhà khí tượng học gọi đây là mùa bão "liên tiếp điên cuồng", một phần là do nhiệt độ đại dương ấm bất thường. Trong năm 2024, thống kê có khoảng 11 cơn bão đã đổ bộ vào đất liền tại Mỹ, Bermuda, Cuba, Cộng hòa Dominica và Grenada.
Nhiều thuyền bị chìm do ảnh hưởng bởi bão Beryl. (Ảnh: AP).
Dưới đây là một số sự kiện khiến mùa bão năm 2024 trở nên nổi bật:
Beryl trở thành cơn bão cấp 4 đầu tiên hình thành vào tháng 6/2024, đổ bộ vào đảo Carriacou ở Grenada. Tại Jamaica, cơn bão đã phá hủy mùa màng và nhà cửa, khiến hai người thiệt mạng.
"Lần cuối cùng cơn bão cấp 4, tên gọi là Dean - đã tấn công hòn đảo này là vào năm 2007. Vì vậy những trận bão mạnh trở nên khá hiếm ở đây", ông Brian McNoldy, một nhà nghiên cứu về bão tại Đại học Miami cho biết.
Sau đó, bão Beryl đã mạnh lên thành cơn bão cấp 5 ở Đại Tây Dương vào ngày 1/7. Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, thông thường những cơn bão lớn - cấp 3 trở lên - thường không xuất hiện cho đến tháng 9.
Đến tháng 9/2024, cơn bão Helene đã gây ra thiệt hại thảm khốc ở vùng đông nam Mỹ và là cơn bão "chết chóc nhất" tấn công vào đất liền kể từ cơn bão Katrina vào năm 2005.
Hơn 200 người đã thiệt mạng. Bắc Carolina ước tính cơn bão đã gây ra thiệt hại ít nhất 48,8 tỷ đô la trực tiếp hoặc gián tiếp như tàn phá nhà cửa, hệ thống nước uống, trang trại và rừng bị phá hủy. Các bang Florida, Georgia, Nam Carolina, Tennessee và Virginia cũng chịu thiệt hại lớn.
Vào tháng 10 năm nay, bão Milton mạnh lên nhanh chóng và tốc độ gió tối đa của cơn bão đạt tới 180 dặm/giờ, trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất theo tốc độ gió được ghi nhận ở Vịnh Mexico.
Các khu vực mà bão Helene và Milton đổ bộ có lượng mưa lớn gấp 3 lần lượng mưa thông thường vào tháng 9 và tháng 10, thời điểm trung tâm của mùa bão Đại Tây Dương. Đối với Asheville, Tampa và Orlando, hai tháng này là thời kỳ ẩm ướt nhất từng được ghi nhận.
Vào tháng 11, bão Rafael đạt vận tốc 120 dặm/giờ và gần như là cơn bão mạnh nhất trong tháng 11 được ghi nhận tại Vịnh Mexico, ngang bằng với cơn bão Kate năm 1985. Rafael đổ bộ vào Cuba và tàn phá hòn đảo này trong khi quốc gia này đang cố gắng phục hồi sau tình trạng mất điện trên diện rộng do cơn bão Oscar gây ra vào tháng 10.
Người dân thu hồi đồ đạc sau khi bão Rafael phá hủy ở Alquizar, Cuba vào năm 2024. (Ảnh: AP/Ramon Espinosa, File).
Mùa bão và biến đổi khí hậu
Các khí làm nóng hành tinh như carbon dioxide và methane thải ra từ giao thông và công nghiệp đang khiến đại dương nóng lên nhanh chóng. Có một số yếu tố góp phần hình thành bão, nhưng đại dương ấm bất thường sẽ tạo điều kiện cho bão hình thành và tăng cường ở những nơi và thời điểm mà chúng ta không lường trước được.
"Nói cách khác, chưa bao giờ có một cơn bão mạnh như Beryl vào đầu mùa ở bất kỳ nơi nào trên Đại Tây Dương và cũng chưa bao giờ có một cơn bão mạnh như Milton vào cuối mùa ở Vịnh Mexico. Tôi không bao giờ chỉ ra biến đổi khí hậu gây ra một sự kiện thời tiết cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ có tác động và gây ra nhiều cơn bão cực đoan hơn", ông Brian McNoldy cho biết.
Siêu bão Beryl được nhận định là "khởi đầu khốc liệt bất thường" cho mùa bão Đại Tây Dương năm nay. Cơn bão đã gia tăng cường độ lên cấp 4 - sớm nhất được ghi nhận ở Đại Tây Dương và là cơn bão cấp 4 duy nhất trong tháng 6. Nước biển ấm bất thường đã tạo điều kiện cho bão Beryl mạnh lên một cách đáng báo động.
Người dân đang gia cố lại nhà sau bão Milton. (Ảnh: AP).
Theo quan sát của các chuyên gia, sức mạnh của cơn bão Beryl rất đáng kinh ngạc. Beryl mạnh lên từ một áp thấp nhiệt đới thành một cơn bão lớn chỉ trong vòng 42 giờ. Sự mạnh lên nhanh chóng của cơn bão là do nước ấm lên trên bề mặt đại dương, đóng vai trò như "nhiên liệu" cho các cơn bão đang phát triển.
Trong khi đó, Milton là cơn bão có tốc độ gia tăng sức mạnh nhanh thứ ba được ghi nhận ở Đại Tây Dương. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Milton đã chuyển từ một cơn bão nhiệt đới thành một cơn bão cấp 5, cấp mạnh nhất trong bảng xếp hạng, với sức gió đạt 289 km/h khi nó quét qua Vịnh Mexico hướng đến trung tâm Florida.
Tốc độ tăng sức mạnh của cơn bão được cho là thần tốc, khi chỉ trong 1 ngày, sức gió của cơn bão đã mạnh lên thêm 56 km/giờ.
Về lâu dài, phạm vi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm những cơn bão dữ dội hơn, sẽ chỉ tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Điều này không chỉ có nghĩa là nhiều người chết và mức độ tàn phá nặng hơn mà còn báo hiệu một sự thay đổi cơ bản về Trái đất - nơi được coi là "an toàn" để sống.
"Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn thời tiết cực đoan thực sự bất thường, với mức độ tàn phá nặng nề tại Mỹ. Dấu vết của cuộc khủng hoảng khí hậu đều thể hiện rõ trong những sự kiện thời tiết gần đây", Daniel Swain, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học California, nhận xét.