Mùa đông bàn chuyện cây thông
Cứ mỗi mùa Noel, nhân loại lại chi khoảng 15 tỉ USD cho hoạt động mua sắm và trang trí Giáng Sinh. Khắp mọi nơi, "ông Vua" không thể vắng mặt và luôn là tâm điểm trong mùa lễ hội cuối năm chính là những cây thông xanh được trang hoàng rực rỡ.
Ðáng nói hơn, nếu xét về lịch sử hay vai trò đối với y khoa và cân bằng sinh thái, những cánh rừng thông xanh cũng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng và xứng đáng được suy tôn là loại cây được loài người yêu thích nhất mọi thời đại.
Hơn 1.200 năm trước, cây thông ban đầu xuất hiện ở Đức để tưởng nhớ công ơn truyền đạo của một giáo sĩ. Qua nhiều thế kỷ, phong tục này du nhập vào nước Mỹ thông qua những người Đức nhập cư. Ngày nay, ngành "công nghiệp Giáng sinh", bao gồm việc kinh doanh cây thông, chiếm gần 20% tổng doanh thu bán lẻ mỗi năm tại Mỹ, giúp tạo ra 100.000 việc làm thời vụ.
Cây thông là thứ không thể thiếu trong mỗi mùa Giáng sinh.
Kỷ lục cây thông Giáng sinh đắt giá nhất là một cây thông với hàng ngàn quả châu pha lê cao cấp, long lanh sắc màu và có trị giá hơn 11 triệu USD tại khách sạn Emirates Palace ở Abu Dhabi. Còn cây thông Giáng sinh cao nhất được Guinness công nhận là cây thông tại Rio de Janeiro, được dựng lên vào năm 2012. Cây thông này có chiều cao 85m, nặng tới 542 tấn và được thắp sáng bởi 3,1 triệu bóng đèn.
Ở các nước phương Tây, Giáng sinh được xem là dịp lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Người phương Tây chỉ dùng thông với màu xanh rì, được trang trí bởi rất nhiều phụ kiện. Theo quan niệm của họ, màu xanh tự nhiên này là "vĩnh cửu" và tượng trưng cho phồn vinh, ấm no.
Trung bình, mỗi cây thông tự nhiên mất 7 năm để sinh trưởng và cần 15 năm mới đạt chiều cao 7-8m. Vì thế, để tiết kiệm và bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng cây thông nhựa hoặc sáng tạo ra những mô hình tượng trưng thay thế.
Cây thông tự nhiên lớn nhất thế giới sống tại Wilmington, North Carolina, (Mỹ) với 400 năm tuổi. Cây có chiều cao gần 22m và rộng hơn 33m. Cây thông này được thắp sáng lần đầu tiên vào năm 1928 với hơn 5.000 bóng đèn.
Còn cây thông cao nhất thế giới còn sống được phát hiện tại dãy núi Sierra Nevada thuộc bang California, miền tây nước Mỹ. Cây này cao 83,5m với đường kính thân lên đến 31,3m. Ðặc biệt, một cây vân sam ở Na Uy (thuộc họ nhà thông), với tên gọi là Old Tjikko, hiện có độ tuổi là 9.550 năm và cao chưa tới 5,4m. Old Tjikko đang giữ kỷ lục thực vật có tuổi thọ cao nhất hành tinh mà con người từng khám phá được.
Xuất hiện trên trái đất từ thời khủng long, thông yêu thích những vùng băng tuyết hàn đới. Thông kiên cường sinh trưởng và thích nghi ở khu vực ôn đới, nhiệt đới và cận xích đạo với 115 loài đa dạng. Những rừng thông xanh ngút ngàn phủ khắp Bắc bán cầu, trải dài từ vùng băng giá Alaska, sang các nước châu Âu trên những cánh rừng già thuộc dãy Alpes, rồi đến cả các quốc gia Đông Á. Không phải ngẫu nhiên mà cây thông ít xuất hiện đơn lẻ mà tập trung thành rừng. Bí mật nằm ở những chiếc lá kim có đặc tính khử mùi và chứa chất kháng khuẩn tự nhiên. Khi lá khô rơi xuống, chúng làm biến chất đất xung quanh gốc thông, khiến ít loại thực vật khác có thể sống được.
Còn cây thông cao nhất thế giới còn sống được phát hiện tại dãy núi Sierra Nevada thuộc bang California, Mỹ.
Với đặc tính dẻo dai, thông có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất khác nhau như đất phèn, đất cát, núi đá vôi hoặc cả đất đã hoang hóa bạc màu. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới trồng thông như là rừng phòng hộ đầu nguồn, nhằm tận dụng sự dẻo dai của chúng. Thông cũng là loài thực vật duy nhất trên trái đất phát tán hình thức hạt nón. Ðây là ưu thế giúp loài cây này có thể thống trị được ở những vùng đất băng giá, nơi mà thực vật có hoa khó tồn tại.
Giá trị kinh tế của cây thông trải dài trong nhiều lĩnh vực từ thực phẩm, vật liệu xây dựng cho đến hương liệu và dược liệu. Với một số loài thông có hạt to không chứa độc tố gây hại, chúng có mức giá bán đắt đỏ từ 250-1.000 USD/kg vì chứa nhiều vi chất dinh dưỡng có ích cho cơ thể như protein, chất béo, các loại vitamin A, B1, B2, C, D, E, canxi, phốtpho.
Gỗ thông thơm, nhẹ và nhiều vân đẹp nên rất được ưu chuộm trong ngành công nghiệp xây dựng trên khắp thế giới, đem giá trị thương mại cao cho Mỹ, New Zealand và các nước Bắc Âu, Phần Lan, Na Uy. Loại gỗ này có giá trung bình từ 90-150 USD/m3. Những loại gỗ thông tốt như thông Mỹ hay Brazil có thể có giá lên đến 280 USD/m3.
Và cũng ít người biết rằng hổ phách, tức là nhựa thông, khi khô đi và kết dính lại thành khối sẽ đóng vai trò tuyệt đối quan trọng với bộ đàn dây. Người nghệ sĩ chơi violon, cello, conterpass sẽ không thể kéo ra chuỗi âm thanh chuẩn và hay nếu không dùng hổ phách thông mài vào cần đàn nhiều lần. Lớp nhựa thông phủ kín cần đàn sẽ tạo độ mịn và chính xác của âm thanh.
Về mặt y dược, mới đây, các nhà nghiên cứu tại Auckland (New Zealand) đã chiết ra được một dược chất từ vỏ cây thông giúp những người bị chấn thương não nhanh chóng cải thiện được trí nhớ. Ngoài ra, dầu thông thu được từ chưng cất lá, cành non và quả nón cũng có giá trị kinh tế cao. Một doanh nghiệp lớn trong ngành dược phẩm Canada đang bắt đầu dự án trồng và khai thác tinh dầu thông đỏ tại Việt Nam, do hàm lượng tinh dầu cô đặc có trong nhựa thông trồng tại thổ nhưỡng Việt Nam cao hơn nhiều lần so với nhựa thông cùng loại tại các nước khác. Giá bán loại tinh dầu này lên tới 40.000 USD/lít.
Gỗ thông thơm, nhẹ và nhiều vân đẹp nên rất được ưu chuộm trong ngành công nghiệp xây dựng trên khắp thế giới.
Hiện tại, tinh dầu thông xanh được sử dụng như một chất tạo mùi thơm trong các loại dầu tắm, sản phẩm tẩy rửa hay dầu bôi trơn trong những thiết bị đồng hồ nhỏ và đắt tiền. Ðây cũng là chất khử mùi và kháng khuẩn tự nhiên. Một số giống thông quý hiếm như thông đỏ Hàn Quốc còn được chiết xuất tinh dầu và đóng gói dưới dạng thuốc uống hỗ trợ điều trị huyết áp, mỡ máu với giá bán trên 200 USD cho 1 lọ 100 viên, hoặc tinh dầu thông dạng lỏng 35 USD/100 ml.
Tại Việt Nam, các quần thể thông gồm 14 loài tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc, ven biển và Lâm Đồng. Tuy nhiên, năm 2014 theo số liệu kiểm kê rừng toàn quốc, trong chưa đầy 5 năm Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000 ha rừng thông. Riêng tại Đà Lạt, độ che phủ rừng đã giảm từ 56% (2010) xuống chỉ còn khoảng 47% (2014). Trong đó, rừng thông chiếm diện tích rất lớn.
Không phải tất cả các giống thông đều có màu xanh thẫm đặc trưng. Trải dọc biên giới Bắc Mỹ và Canada, hiện có giống thông Tamarack lá vàng rực rỡ. Ở Lâm Ðồng mới đây, hàng ngàn ha thông xanh có tuổi đời 20-40 năm cũng đã chuyển sắc vàng như thế. Nhưng đáng buồn là thông Lâm Ðồng chuyển màu vì hàng ngàn thân cây đã bị khoét những hốc sâu và đổ đầy hóa chất. Chỉ trong một tuần, bạt ngàn rừng thông xanh đã đồng loạt chuyển vàng khô héo.