Mỹ đã có cách cho tàu ngầm "nói chuyện" trực tiếp với máy bay mà không cần nổi lên
Xưa giờ tàu ngầm gần như không thể liên lạc với bất kỳ thứ nào khác trên mặt nước bởi giới hạn về mặt vật lý của môi trường nước. Tuy nhiên, điều đó sắp sửa trở thành hiện thực nhờ vào một hệ thống không dây vừa phát triển thành công bởi các nhà khoa học tại MIT, cho phép truyền trực tiếp dữ liệu từ dưới đại dương lên cả máy bay trên không.
Với tên gọi hệ thống liên lạc âm học tịnh tiến (TARF), hệ thống này cho phép tàu ngầm dưới đại dương gởi một tín hiệu siêu âm lên bề mặt nước. Thông tin kiểu nhị phân 0 và 1 sẽ được mã hóa bằng một dao động cực nhỏ tạo nên các tần số khác nhau. Trên mặt nước, một radar tần số cực cao (từ 30GHz tới 300 GHz) sẽ nhận diện sự thay đổi cực nhỏ của tần số, từ đó giải mã và từ đó chuyển thành thông tin có nghĩa.
Hiện tại, hệ thống mới chỉ hoạt động tại vùng nước có độ cao của sóng tầm 16cm.
Điều đáng nói ở đây là hệ thống TARF có thể hoạt động trong cả điều kiện biển lặng lẫn biển động bởi nó sử dụng một thuật toán xử lý thông minh với khả năng phân biệt được đâu là sóng lớn trên biển, đâu là những tín hiệu được gởi đi cũng dạng sóng nhưng cường độ cực nhỏ. Hiện tại, hệ thống có thể hoạt động tại vùng nước có độ cao của sóng tầm 16cm nhưng sắp tới, MIT sẽ tìm cách cải thiện để dùng được ở mọi điều kiện biển.
Lại nói về lượng thông tin mà nó có thể gởi. Hiện tại hệ thống vẫn chưa thể gởi hình ảnh hoặc những nội dung báo cáo độ chi tiết cao, phức tạp mà chỉ có thể gởi được vài trăm bit dữ liệu mỗi giây, nghĩa là thấp hơn cả các hệ thống modem quay số hồi xưa. Mặt khác, dữ liệu cũng mới chỉ gởi được một chiều. Tuy nhiên, dưới quan điểm của các nhà khoa học hoặc quân sự thì nhiêu đó cũng là quá đủ để có muôn vàn ứng dụng khác nhau. Thí dụ như các tàu ngầm hiện đã có thể dùng TARF để gởi thông tin hữu ích tới máy bay, drone hoặc các tàu chiến trên mặt biển mà vẫn ẩn thân một cách an toàn dưới đại dương. Dưới góc độ tác chiến, đây kỳ thực là một thành công.