"Nấm mồ nước" sẽ chôn vùi trạm ISS trong tương lai
NASA sẽ cho Trạm Vũ trụ Quốc tế rơi xuống vùng biển không người ở có tên Point Nemo vào năm 2031.
Point Nemo nằm cách vùng ven biển New Zealand 4.800km và cách Nam Cực 3.200km về phía bắc. Nó ở xa đất liền đến mức những người được xem là ở gần khu vực này nhất chính là các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - bay ở độ cao 420km phía trên Trái đất. Khi ngừng hoạt động vào năm 2030, trạm ISS sẽ đâm xuống địa điểm xa xôi đó, tương tự những trạm vũ trụ, vệ tinh và mảnh vỡ khác. Point Nemo được coi là nấm mồ dành cho các vật thể trong không gian.
Trạm ISS sẽ hoạt động hết năm 2030. (Ảnh: NASA)
Nhiều cường quốc không gian đã đổ rác vũ trụ ở khu vực xung quanh Point Nemo, đặt theo tên thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của Jules Verne từ thập niên 1970. Còn có tên là Cực bất khả tiếp cận trên đại dương hoặc Vùng không người ở Nam Thái Bình Dương, tọa độ chính xác của địa điểm xa xôi nhất thế giới này được tính toán bởi kỹ sư người Nga - Canada Hrvoje Lukatela vào năm 1992.
Hơn 263 mảnh rác vũ trụ đã chìm xuống Point Nemo từ năm 1971, bao gồm trạm Mir của Nga và trạm vũ trụ đầu tiên của NASA, Skylab, theo nghiên cứu năm 2019. Những mảnh vỡ không phải là chứng tích nguyên vẹn về lịch sử du hành không gian mà là các mảnh vụn nằm rải rác trên khu vực rộng lớn. "Đây là vùng biển lớn nhất không có bất kỳ quần đảo nào. Đây cũng là khu vực an toàn nhất dành cho mảnh vỡ rơi trở lại khí quyển", Holger Krag, giám đốc Văn phòng chương trình an toàn không gian thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết.
Point Nemo hầu như không có dấu vết sự sống của con người. Ngoài rác vũ trụ ở đáy biển, những hạt vi nhựa được phát hiện trong nước biển tại đây khi du thuyền trong cuộc thi Volvo Ocean Race đi qua khu vực vào năm 2018. Rác vũ trụ như vệ tinh cũ rơi trở lại khí quyển Trái đất hàng ngày, dù phần lớn không có ai chú ý đến bởi mảnh vỡ bốc cháy rất lâu trước khi chạm đất. Chỉ mảnh vỡ lớn như bộ phận tàu vũ trụ hoặc tên lửa có thể trở thành mối đe dọa nhỏ với con người và cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Các cơ quan vũ trụ và nhà vận hành phải lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước để đảm bảo mảnh vỡ rơi xuống Point Nemo.
Trong trường hợp trạm ISS, NASA cho biết trạm sẽ bắt đầu thao tác để rời khỏi quỹ đạo vào đầu năm 2026, hạ thấp độ cao nhằm rơi xuống Trái đất năm 2031. Thời gian chính xác của hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ Mặt trời và tác động của nó tới khí quyển Trái đất. Mặt trời hoạt động mạnh thường khiến khí quyển Trái đất nở ra và gia tăng lực cản đối với trạm ISS, theo NASA.
Cơ quan vũ trụ và nhà vận hành thương mại cũng phải thông báo cho cơ quan chức năng phụ trách hàng không và vận tải biển, thông thường ở Chile, New Zealand và Tahiti, về vị trí, thời gian và diện tích khu vực mảnh vỡ rơi xuống. Nhà chức trách sẽ phát thông báo cho máy bay và tàu thuyền. Theo Krag, một vấn đề lớn là nhiều mảnh vỡ từ tầng tên lửa và tàu vũ trụ rơi mất kiểm soát xuống khí quyển Trái đất. Hồi tháng 6/2021, NASA từng chỉ trích Trung Quốc vô trách nhiệm sau khi mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Ấn Độ Dương.
Tên lửa Trường Chinh 5B cao 33 m và nặng hơn 18.000 kg, phóng module của trạm vũ trụ Trung Quốc lên quỹ đạo vào ngày 29/4/2021. Sau khi dùng hết nhiên liệu, tên lửa rơi mất kiểm soát trong không gian cho tới khi bị hút bởi lực hấp dẫn của Trái đất. Krag cho biết trung bình 100 - 200 tấn rác vũ trụ rơi mất kiểm soát qua khí quyển Trái đất mỗi năm.
Ít nhất 26.000 mảnh rác vũ trụ bay quanh Trái đất lớn bằng quả bóng nỉ hoặc hơn, có thể phá hủy vệ tinh nếu xảy ra va chạm. Hơn 500.000 mảnh vỡ đủ lớn để gây hư hỏng cho tàu vũ trụ hoặc vệ tinh. Hơn 100 triệu mảnh vỡ lớn cỡ hạt muối có thể làm thủng bộ đồ không gian.
Để rác vũ trụ rơi xuống đáy đại dương ở Point Nemo là lựa chọn ít tồi tệ nhất, theo Vito De Lucia, giáo sư ngành luật ở Trung tâm luật biển Na Uy tại Đại học Bắc Cực. Tuy nhiên, chúng ta không biết nhiều về môi trường biển sâu ở khu vực này. Một số nghiên cứu cho biết do dòng hải lưu trong khu vực, Point Nemo không thực sự đa dạng sinh học. Nhà hải dương học Autun Purser, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Viện Alfred Wegener tại Bremerhaven, Đức, chia sẻ ông từng đến gần Point Nemo và đáy biển là nơi cư trú của những con hải sâm, bạch tuộc và cá kỳ lạ.
Krag cho biết rác thải không gian rơi xuống đại dương thường cấu tạo từ thép không gỉ, titan hoặc nhôm không độc hại. "Mảnh vỡ hồi quyển không trôi nổi mà chìm sâu xuống và không gây nguy hiểm cho tàu bè. So với nhiều container thất lạc và tàu đắm, lượng phần cứng của rác vũ trụ khá nhỏ", Krag nói.