Nam Phi sẽ thả "bom" diệt chuột để bảo vệ chim hải âu
Các chuyên gia bảo tồn hôm 24/8 thông báo kế hoạch thả hàng tấn viên nén thuốc diệt chuột xuống một hòn đảo hẻo lánh để tiêu diệt chuột ăn thịt chim hải âu và nhiều loài chim biển khác.
Đàn chuột ăn trứng của một số loài chim biển quan trọng nhất thế giới làm tổ trên đảo Marion, cách Cape Town khoảng 2.000 km về phía đông nam và bắt đầu ăn cả chim sống, theo chuyên gia bảo tồn Mark Anderson. Trong số đó có chim hải âu lang thang, với 1/4 số lượng loài này đang làm tổ trên hòn đảo ở Ấn Độ Dương.
Một con chim hải âu bị chuột ăn thịt trên đảo Marion. (Ảnh: Michelle Risi)
"Lần đầu tiên năm ngoái, chúng tôi phát hiện chuột ăn thịt chim hải âu lang thang trưởng thành", Anderson chia sẻ trong cuộc họp với BirdLife South Africa, tổ chức bảo tồn chim hàng đầu của Nam Phi. Các nhà nghiên cứu từng chụp ảnh những con chim với cơ thể đầy máu, một số con lộ cả phần thịt bị chuột gặm trên đầu.
Trong số 29 loài chim biển sinh sản trên hòn đảo, 19 loài bị đe dọa tuyệt chủng ở địa phương, theo dự án Mouse-Free Marion Project. Số vụ chuột tấn công tăng mạnh trong vài năm gần đây nhưng chim biển không biết cách phản ứng bởi chúng tiến hóa trong môi trường không có động vật ăn thịt trên đảo, theo Anderson, người chỉ đạo dự án kiêm giám đốc điều hành BirdLife South Africa. "Chuột chỉ cần leo lên mình chim và chậm rãi ăn cho tới khi nạn nhân chết. Quá trình có thể kéo dài vài ngày. Chúng tôi mất hàng trăm nghìn con chim biển mỗi năm do chuột", Anderson chia sẻ.
Là một trong những nỗ lực bảo tồn chim quan trọng nhất thế giới, dự án Mouse-Free Marion Project đã kêu gọi được 1/4 trong số tiền 29 triệu USD cần thiết để đưa đội máy bay trực thăng thả 600 tấn viên nén thuốc diệt chuột lên hòn đảo gồ ghề. Họ muốn thả viên nén năm 2027 vào mùa đông, khi chuột đói nhất và những loài chim sinh sản vào mùa hè hầu như vắng mặt. Phi công sẽ phải bay trong điều kiện khắc nghiệt và tới mọi ngóc ngách trên hòn đảo dài khoảng 25km và rộng 17km. "Chúng tôi phải loại bỏ mọi con chuột. Nếu còn một con chuột đực và cái, chúng có thể sinh sản và phục hồi trở lại", Anderson nói.
Chuột đang sinh sôi trên đảo Marion nhờ nhiệt độ ấm do biến đổi khí hậu, có nghĩa chúng sinh sản thường xuyên hơn trong thời gian dài hơn. Sau khi ăn hết thực vật và động vật không xương sống, những con chuột nhắm vào chim biển. Chuột nhắt đến hòn đảo vào đầu thế kỷ 19. Đã có 5 con mèo được mang tới đây vào khoảng năm 1948 để kiểm soát số lượng của chúng. Nhưng số lượng mèo tăng lên khoảng 2.000 con và chúng giết chết khoảng 450.000 con chim một năm. Một dự án xóa sổ con mèo cuối cùng vào năm 1991.