Nấm "thây ma xanh" chống dịch châu chấu
Loại nấm thây ma xanh có thể khiến châu chấu chết dần bằng cách biến con côn trùng trở thành một khối rêu xanh.
Các nhà máy Trung Quốc sản xuất hàng ngàn tấn nấm thây ma màu xanh lá cây để chống lại đàn châu chấu đang hoành hành ở phía đông châu Phi. Metarhizium là một chi nấm có gần 50 loài trong đó có một số đã được biến đổi gene để sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học vì rễ của nó khoan xuyên qua bộ xương cứng của côn trùng và giết dần dần chúng. Ở Trung Quốc, nó được đặt tên là lu jiang Jun có nghĩa là nấm thây ma màu xanh lá cây vì loại nấm này sẽ dần giết chết và biến vật chủ của nó thành một khối rêu xanh.
Hiện tại có hàng chục nhà máy khắp Trung Quốc chuyên sản xuất bào tử nấm nhưng phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Tuy nhiên một số nhà máy đã hoạt động trở lại và vận chuyển hàng ngàn tấn bào tử nấm đến châu Phi. Các nhà máy này được thiết lập theo cách tương tự như các nhà máy bia, phát triển các bào tử trên cây lúa trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo chính xác về nhiệt độ và độ ẩm.
Mỗi nhà máy có thể sản xuất hàng ngàn tấn bột nấm mỗi năm, mỗi gram chứa hàng chục tỷ bào tử. Nhu cầu này đặc biệt cấp bách cho vùng Đông Phi vào thời điểm này, nơi lượng mưa cao bất thường trong mùa khô khiến hàng trăm tỷ con châu chấu sinh sôi nảy nở trong những tháng gần đây.
Cho đến nay, đàn châu chấu khổng lồ đã tàn phá mùa màng ở các quốc gia như Ethiopia, Kenya, Somalia và Uganda, chúng đang tiếp tục di chuyển sang các nước láng giềng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã đưa cảnh báo về tình hình được xem là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nạn đói có thể ảnh hưởng đến 13 triệu người và khiến giá lương thực quốc tế tăng cao.
Tuần trước, tạp chí Khoa học của Trung Quốc cho biết chính phủ Somalia đã làm việc với FAO bàn về việc dùng một loài thây ma để giết châu chấu - chiến dịch được đánh giá là lớn nhất trong việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để diệt côn trùng. Các nhà khoa học không tin tưởng nấm sẽ đủ mạnh để tiêu diệt nơi sinh sản của châu chấu về mặt lâu dài. Tuy nhiên, nếu chứng minh có hiệu quả thực sự thì đó có thể là vũ khí quan trọng để nhắm vào các đợt bùng phát côn trùng có hại trong tương lai.
Nấm thây ma xanh sẽ tác động mạnh và tiêu diệt nhiều châu chấu non đang sinh sôi nảy nở ở
Somalia. (Ảnh: AP).
Sẽ mất nhiều thời gian để đánh giá hiệu quả vì mỗi loại nấm sẽ mất vài ngày để có hiệu lực và vì quy mô rất lớn của thử thách; một bầy châu chấu duy nhất ở Kenya ước tính đã có tới 100 tỷ đến 200 tỷ con. Châu chấu cũng đã di chuyển về phía Đông, tiến đến khu vực Trung Đông với tốc độ lên tới 150km một ngày. Chúng đang di chuyển gần đến Trung Quốc cùng một số quốc gia láng giềng trong đó có Ấn Độ và Pakistan.
Hiện tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tin rằng một số con châu chấu có thể theo gió mùa vào nước này, nhưng khả năng chúng gây thiệt hại là rất nhỏ. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng đàn châu chấu sẽ không có tác dụng lâu dài trong sản xuất thực phẩm vì vậy các nước đang phát triển cần khai thác công nghệ diệt châu chấu tiên tiến của Trung Quốc.
Các trạm radar đã được thiết lập dọc theo biên giới phía Tây và phía Nam của Trung Quốc để phát hiện các đám mây cào cào kết hợp các thiết bị không người lái dụ côn trùng vào bẫy để thu thập dữ liệu về quần thể và kích cỡ loài của chúng. Các nhóm nghiên cứu sẽ mang theo các thiết bị có cài phần mềm khảo sát châu chấu đi dọc các tuyến đường ở thung lũng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn hoặc Gobi.
Dữ liệu sau đó sẽ ược gửi về bộ chỉ huy chương trình của Bộ, lập kế hoạch và điều phối các nỗ lực quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Các nhà khoa học cho biết, những chiếc máy bay chứa đầy thuốc xịt sinh học và hóa học cũng sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ tiêu diệt châu chấu.
"Ngày nay, hầu hết các vụ dịch châu chấu xảy ra ở các nước đang phát triển không có mạng lưới giám sát tiên tiến và không thể sản xuất thuốc trừ sâu trên quy mô lớn", theo Li Hu, phó giáo sư của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh. Các công nghệ xử lý châu chấu của Trung Quốc rất tiên tiến và thường rẻ hơn so với các giải pháp cạnh tranh từ phương Tây, ông nói.
Một nhược điểm với nghiên cứu của Trung Quốc là chỉ tập trung vào các loài địa phương hoặc châu chấu di cư ở vùng Đông Á. Châu chấu sa mạc hiện đang tràn ngập phía Đông châu Phi có các gene và hành vi khác nhau, Li cảnh báo rằng một số phương pháp kết quả tốt ở Trung Quốc nhưng có thể sẽ không hiệu quả ở nơi khác.
Châu chấu bị nấm thây ma xanh ăn từ trong ra ngoài. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Maryland).
Giáo sư Kang Le, nhà khoa học chính của chương trình nghiên cứu châu chấu của Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, một số đợt châu chấu bùng phát được ghi nhận trước đây ở Vân Nam và Tây Tạng nhưng chúng chỉ hoạt động khu vực nhỏ. Vùng Tân Cương rộng lớn phía Tây Trung Quốc, nơi có chung biên giới với tám quốc gia đang có nhiệt độ quá lạnh. Điều này không thích hợp cho sự di cư của châu chấu. Nhưng khi nhiệt độ bắt đầu tăng vào mùa xuân, châu chấu sẽ sinh sôi nảy nở mạnh và tràn qua biên giới Afghanistan.
Trước đây, nông dân Trung Quốc đã có các biện pháp chống lại châu chấu như tạo ra những đám cháy lớn, chôn vùi xuống mương nước hoặc cố gắng giết chúng bằng gậy. Trong một chiến dịch do tướng Yao Chong phát động vào năm 715, các trang trại đã thu thập 9 triệu bao châu chấu chết, giúp bảo vệ phần lớn các loại cây trồng của nông dân.
Thời gian gần đây, các công nghệ tiên tiến hơn đã được triển khai để giải quyết mối đe dọa từ châu chấu. Một số nhà nghiên cứu đã dành hàng thập kỷ để theo đuổi nghiên cứu về lãnh thổ, hành vi cá thể và bầy đàn của châu chấu ở khắp mọi nơi từ vùng ven biển đến sa mạc nội địa. Vào năm 2014, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố bản đồ di truyền toàn diện nhất thế giới về châu chấu, phát triển thành công các tác nhân hóa học để làm mất phương hướng của châu chấu và phân tán chúng.
Giới nghiên cứu Trung Quốc lần đầu tiên quan tâm đến tiềm năng của nấm thây ma xanh vào những năm 1980 sau khi phát hiện ra rằng người dân đảo Nam Thái Bình Dương đã sử dụng chúng để tiêu diệt côn trùng trên cây dừa. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã khẳng định hiệu quả của loại nấm này vào những năm 1990 và người Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu nấm thây ma xanh từ Mỹ và Anh. Sau đó, giới khoa học tiếp tục nghiên cứu để phát triển các chủng nấm mới mạnh hơn và sản xuất hàng loạt trong thập kỷ qua.
Theo một tài liệu của Hiệp hội Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc công bố hồi năm ngoái, một loài vi khuẩn biến đổi gene và một loại nấm diệt côn trùng khác có thể tạo ra số lượng gấp ba lần so với các bào tử nấm được tạo ra trong tự nhiên. Sử dụng vào thực tế cho thấy, không có dịch châu chấu nào diễn ra ở Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.