Nấm xâm nhập, phá hoại Trạm Vũ trụ Quốc tế
"Chúng ta sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn nấm khi dấn thân vào không gian, lên trạm vũ trụ, vì vậy chúng ta cần hiểu về chúng", các nhà khoa học chia sẻ.
"Vị khách" bất ngờ trên trạm vũ trụ
Các nhà khoa học đang làm một thí nghiệm với nấm - (Ảnh: UNOOSA).
Năm 1988, các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Mir (Hòa Bình) của Nga (hiện đã ngừng hoạt động) nhận ra có thứ gì đó như "tấm màn" từ bên ngoài trạm đã che phủ một trong các cửa sổ của họ.
Thứ đó thậm chí còn bắt đầu "mò" vào trong trạm bằng cách từ từ phá hủy bề mặt thạch anh titan của cửa sổ. Sau đó các phi hành gia phát hiện chúng thực chất là những loại nấm đã vô tình được "cõng" vào không gian.
Loại nấm này tìm cách thích nghi với môi trường không gian và nó không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh trên cửa sổ, bảng điều khiển, máy điều hòa không khí và cáp cách điện. Nó thậm chí còn làm ô nhiễm nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống quý giá của phi hành đoàn.
Đó cũng là lần đầu tiên nấm được phát hiện đã gây thiệt hại đáng kể cho trạm vũ trụ. Và không phải là lần cuối cùng.
Từ "kẻ thù" thành "kẻ cứu rỗi"
Trạm vũ trụ Mir của Nga nhìn từ tàu con thoi Atlantis trong quá trình tiếp cận bến tàu vào ngày 15-1-1997 - (Ảnh: NASA).
Nhiều loài nấm sinh ra trong không gian giống như một thám tử. Chúng không hoạt động trong quá trình phóng và trên hành trình vào vũ trụ, nhưng sau đó chúng lại “kích hoạt” và sinh sản để tạo thành những tấm thảm dày sống ở nhiều khu vực khác nhau trong trạm vũ trụ.
Những tấm thảm này không chỉ đe dọa sức khỏe phi hành gia mà còn cả các thiết bị điện tử, hệ thống ống nước và các bộ phận khác trên trạm.
Kể từ sự cố năm 1988, đã có nhiều nỗ lực nhằm thiết lập các quy trình vệ sinh hiệu quả để loại bỏ nấm khỏi trạm vũ trụ và thiết bị trước khi vi sinh vật gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu sự phát triển và hành vi của chúng trong môi trường vi trọng lực. Họ đặc biệt chú ý đến khả năng thích ứng của chúng để sửa chữa những tổn thương DNA do bức xạ không gian gây ra - thực sự có thể hữu ích cho các phi hành đoàn trong các sứ mệnh không gian dài hạn.
Ví dụ vào năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA ở California lần đầu tiên đã đưa nấm vào vũ trụ, nhằm mục đích nghiên cứu trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Nhóm đã nghiên cứu xem xét môi trường ISS đã khiến loài nấm Aspergillus nidulans tạo ra một số phân tử nhất định như thế nào, điều mà nó không tạo ra trên Trái đất.
Gần đây một nhóm nhà khoa học đã liên kết với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tiến hành các thí nghiệm tăng trọng lực trên nấm để hiểu rõ hơn về cách những sinh vật này tồn tại dễ dàng trong môi trường khắc nghiệt của không gian.
Nếu các nhà khoa học có thể hiểu được cơ chế phát triển của nấm, một ngày nào đó, ngành vũ trụ không gian có thể dùng nấm để phát triển các khu định cư trên không gian, thậm chí trong sản xuất thuốc.