NASA lùi thời gian thử nghiệm tên lửa đẩy đưa tàu lên Mặt trăng
Ngày 5-4, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo sẽ hoãn buổi thử nghiệm cuối của tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) trong sứ mệnh Artemis đưa người lên Mặt trăng để nhường chỗ cho một tàu không gian SpaceX phóng vào cuối tuần này.
Hệ thống phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA hôm 23-2-2022 - (Ảnh: NASA)
Buổi thử nghiệm tên lửa SLS dự kiến diễn ra vào ngày 7-4 tại bệ phóng 39B ở căn cứ Cape Canaveral, bang Florida. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, một tàu không gian SpaceX cũng sẽ được phóng từ bệ 39A, mang theo 3 doanh nhân và 1 cựu phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS). Vì vậy, vụ thử SLS này sẽ được thực hiện ngay sau khi tàu SpaceX phóng thành công. Tên lửa SLS dài 98 mét sẽ vẫn đặt trên bệ phóng trong khi chờ.
Theo người phụ trách sứ mệnh Artemis Mike Sarafin, trong thử nghiệm cuối cùng trước khi phóng tàu lên Mặt Trăng vào cuối năm nay, tất cả các bước của quá trình phóng đều phải được diễn tập, từ việc nạp nhiên liệu cho đến quá trình đếm ngược trước khi tên lửa khởi động.
Quá trình thử nghiệm tên lửa SLS đã được bắt đầu từ ngày 1-4 và dự kiến kết thúc vào ngày 8-4. Tuy nhiên, các kỹ sư NASA đã gặp nhiều vấn đề kỹ thuật cũng như thời tiết không thuận lợi, trong đó có việc bệ phóng đã bị 4 tia sét đánh trúng trong một cơn bão ngày 2-4.
Ông Mike Sarafin cho biết những vấn đề trên không phải là vấn đề lớn và các kỹ sư NASA chưa phát hiện bất kỳ sai sót cơ bản về thiết kế. Ông cũng cho rằng những thử nghiệm được thực hiện những ngày gần đây đã cho thấy "một phần thành công".
Sứ mệnh Artemis 1 sẽ là chuyến bay đầu tiên tên lửa SLS đưa tàu Orion lên quỹ đạo Mặt trăng. Sứ mệnh đầu tiên này sẽ không có phi hành gia trên tàu. Thời điểm thực hiện sứ mệnh Artemis 1 sẽ được NASA quyết định và công bố sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm tên lửa SLS.
- NASA thử nghiệm tên lửa 98m, chuẩn bị cho sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng
- Phát hiện "sao Mộc thứ hai" cách Trái đất 17.000 năm ánh sáng
- 4 "ngôi sao" Kim, Mộc, Hỏa, Thổ cùng thẳng hàng trên bầu trời