NASA sắp phóng vệ tinh quan sát trái đất thế hệ mới
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch phóng vệ tinh quan sát trái đất để đánh giá sự biến đổi khí hậu và các diễn biến thời tiết.
>>> Ấn Độ phóng vệ tinh nghiên cứu thời tiết
Vệ tinh của NASA có tên NPP, là vệ tinh đầu tiên được thiết kế để thu thập những thông tin có hại đối với đất, nhằm hoàn thiện việc dự báo thời tiết và tăng thêm hiểu biết về biến đổi khí hậu.
Vệ tinh NPP trong phòng làm sạch tại căn cứ không quân Vadenberg. (Ảnh: NASA)
NPP được trang bị những công nghệ hiện đại, trong đó có 4 cảm biến hình ảnh thế hệ mới nhất, sẽ cung cấp cho các nhà khoa học những dữ liệu quan trọng về tầng ozone, độ bao phủ của mặt đất, nhiệt độ khí quyển và lớp băng bao phủ.
Jim Gleason, nhà khoa học thuộc dự án NPP cho biết: “NPP là một vệ tinh với tầm hoạt động rộng sẽ cho cho chúng ta cái nhìn tổng quan về sự biến đổi của thời tiết của trái đất, giúp cải thiện hệ thống máy tính để dự đoán điều kiện môi trường trong tương lai".
NPP sẽ được sử dụng như là cầu nối giữa hệ thống vệ tinh theo dõi trái đất của NASA và hệ thống vệ tinh theo dõi thời tiết phát triển của cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA).
NOAA sẽ kết hợp dữ liệu của NPP với hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo của mình để đáp ứng, theo dõi kịp thời và phản ứng được trước mọi thiên tai.
Louis W. Uccellini, Giám đốc Trung tâm quốc gia về dự báo môi trường cho biết: “Đây là thời điểm hợp lý nhất để phóng NPP, bởi sau những thảm họa thời tiết lên đến hàng tỷ đôla trong năm qua, những dữ liệu của NPP là rất quan trọng cho việc dự báo thời tiết trong tương lai”.
NPP sẽ được phóng tại căn cứ không quân Vandenberg, California, vào ngày 27/10 nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo cách trái đất 512 dặm và bay quanh hai cực trái đất 14 lần một ngày. Sau mỗi lần như vậy vệ tinh sẽ truyền dữ liệu về một trạm tại Svalbard, Na Uy, và trực tiếp thu phát trên toàn thế giới.