Nêm nếm nhiều nhưng sao món ăn vẫn không tròn vị?
Dành nhiều thời gian và công sức cho việc nấu nướng, lựa chọn đa dạng gia vị nêm nếm nhưng có bao giờ bạn tự hỏi sao kết quả món ăn thừa mặn nhưng lại không tròn vị, thơm ngon như mong đợi? Nếu có, chắc hẳn bạn đang mắc một số lỗi cơ bản sau đây.
Để món ăn đậm đà tròn vị, bạn nên ghi nhớ ngay 4 lỗi cũng như mẹo khắc phục trong sơ chế và nêm nếm dưới đây.
Rã đông thịt không đúng cách
Nhiều người thường lấy thịt ở ngăn đông lạnh ra, thái lát và nấu ngay vì cho rằng khi đun sôi, thực phẩm sẽ được rã đông hoàn toàn. Tuy nhiên, hành động này được xem là sai lầm phổ biến. Thịt chưa rã đông hoàn toàn khó chín và ngấm đều gia vị. Để phần thịt bên trong chín, phần thịt bên ngoài dễ bị quá lửa và dai.
Người nội trợ cần rã đông thịt, cá hoàn toàn trước khi chế biến. (Ảnh: Lucas Vinicius Peixoto).
Ngoài ra, để rút ngắn thời gian chờ đợi, một số gia đình dùng nước nóng rã đông khối thịt. Quá trình nước nóng gặp lạnh sẽ làm cho thịt thay đổi kết cấu, vị tươi ngon và giảm các chất dinh dưỡng.
Vì vậy, để thực phẩm từ từ trở về trạng thái ban đầu là phương pháp rã đông chính xác. Người nội trợ có thể để thịt đông trong ngăn mát tủ lạnh hoặc đặt thực phẩm dưới vòi nước chảy đến khi mềm. Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng cũng là cách nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị được nhiều người áp dụng.
Thời gian ướp quá ngắn hoặc quá dài
Mỗi loại thực phẩm đều có kết cấu và tính chất riêng. Vì vậy, thời gian ướp là yếu tố quan trọng quyết định món ăn có tròn vị và ngấm đều gia vị sau khi chế biến hay không. Bạn có thể tham khảo một số loại thịt phổ biến dưới đây.
Heo, gà là loại thịt mềm, dễ thấm gia vị và giữ mùi hương tốt. Đối với các món thông thường như kho, rim, xào, chiên… bạn nên ướp trong khoảng 20-30 phút. Khi nướng, bạn nên ướp thực phẩm này trong vòng 2-3 tiếng để gia vị thẩm thấu vào từng thớ thịt.
Trong khi đó, thời gian lý tưởng để thịt bò cắt lát, cá hồi phi lê, cá tuyết, tôm hùm, sò, hàu…ngấm đều gia vị là khoảng 15 phút.
Thời điểm nêm nếm các loại gia vị chưa phù hợp
Sử dụng gia vị để nêm nếm cho món ăn đôi khi không phải công việc đơn giản vì một số loại nấu lâu dễ mất chất, thậm chí gây hại sức khỏe. Vì thế, bạn cần căn chỉnh thời gian thêm gia vị phù hợp.
Ví dụ, tùy món ăn, muối có thể cho vào trước hay trong khi nấu. Với món kho cần thịt đậm đà, không giảm độ ngọt, bạn nên cho muối trong quá trình ướp. Với canh, bạn cần chờ vị ngọt từ xương, thịt, cá tiết ra rồi mới nêm muối, tốt nhất sau khi canh vừa sôi.
Nước mắm có hương vị đặc biệt nên không cần đun lâu. Với món canh, bạn có thể cho nước mắm vào nồi rồi tắt bếp ngay.
Nên cho ít đường khi ướp các món chiên hay nướng vì dễ cháy, khét. Nếu muốn món ăn ngọt hơn, bạn có thể làm riêng phần sốt hoặc phết mật ong lên khi gần chín.
Chú ý định lượng khi nêm nếm
Nêm nếm gia vị "vô tội vạ" làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. (Ảnh: Andra Ion).
Việc pha trộn các loại gia vị với nhau mà không quan tâm đến định lượng hay mức độ cần thiết khiến món ăn mất đi hương vị đặc trưng. Chẳng hạn, món mực xào chua ngọt nên được nêm nếm để nổi bật vị thơm ngọt hài hòa từ mực tươi và rau củ, không nên để bị lấn át bởi mùi nước mắm đặc trưng hay vị ngọt đậm của đường cát trắng được cho vào theo cảm tính. Việc chú ý định lượng gia vị khi nêm nếm cũng giúp kiểm soát lượng muối (hay còn gọi là natri) tiêu thụ hiệu quả hơn.
Natri là khoáng chất tạo vị mặn, có mặt trong nhiều loại thực phẩm, gia vị quen thuộc như muối, nước mắm, nước tương, bột canh, v.v… Theo khuyến cáo Bộ Y tế, một người trưởng thành chỉ nên nạp vào lượng natri tối đa dưới 2.800 mg natri/ngày để tránh các nguy cơ mắc phải các căn bệnh mãn tính. Đó là lý do tại sao bạn nên bỏ ngay thói quen nấu nướng và nêm nếm "theo tổ tiên mách bảo".