Net Zero là gì? Nếu không thực hiện Net Zero Trái đất sẽ ra sao?
Việt Nam và toàn thế giới đều đang hướng tới mục tiêu Net Zero đến năm 2050. Đây là thuật ngữ được nhắc tới thường xuyên nhưng có lẽ còn xa lạ với nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa đằng sau của Net Zero là gì?
Khoa học đã chứng minh, khí nhà kính do con người thải ra chính là nguyên nhân làm Trái đất nóng lên, mà điều này đã gây ra biết bao hệ lụy cho loài người và thế hệ tương lai. Nhận thức được mối nguy hại của phát thải khí nhà kính, Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu Net Zero cho toàn cầu.
Net Zero là mục tiêu chung của nhân loại hiện nay.
Khái niệm Net Zero
Net-zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương.
Hiện nay, Trái đất đã tăng lên 1,1 độ C so với cuối những năm 1800. Muốn đạt được chỉ tiêu giới hạn chỉ tăng 1,5 độ theo như yêu cầu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21) năm 2015, thế giới phải giảm 45% lượng khí thải trước năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Kể từ đó, mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 đã ra đời.
Nếu không thực hiện Net Zero hậu quả Trái đất sẽ ra sao?
Vào thời điểm Thỏa thuận Paris 2015 được ký kết, nhiều gã khổng lồ trong ngành năng lượng hóa thạch đã phản đối mục tiêu 1,5°C đến cùng, bởi lẽ nhiên liệu hóa thạch đang là nguồn doanh thu béo bở trong thời kỳ này. Tuy nhiên các báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) đã chỉ ra, nếu mức độ phát thải cứ tiếp tục tăng phi mã không kiểm soát, Trái đất có thể nóng lên hơn mức 2°C, thậm chí chạm mức 4 - 5°C. Đây là kịch bản cực kỳ nguy hiểm với sự sinh tồn của nhân loại.
Thiên tai có thể xảy ra dữ dội hơn.
Trái đất nóng lên sẽ làm biến đổi khí hậu bao gồm không khí, nước, băng, đất đá và hệ sinh vật. Nhiệt độ trong bầu khí quyển nóng lên chính là điều kiện tạo ra nhiều hơi nước hơn, sinh ra mưa lớn, bão, lũ lụt. Trong khi đó, nắng nóng kéo dài sẽ làm tăng tình trạng hạn hán và khan hiếm nước. Nhìn chung, biến đổi khí hậu càng làm cho thiên tai trở nên nặng nề và gắt gao hơn.
Nắng nóng kéo dài được coi là hiểm họa sức khỏe với nhân loại, đặc biệt là trẻ em, người già, người lao động ngoài trời, người nghèo... Nhóm người này có thể bị say nắng, sốc nhiệt hay bệnh về tim mạch, nặng hơn có thể gây tử vong. Số liệu thống kê cho thấy, hầu như trong đợt nắng nóng gay gắt nào cũng có trường hợp tử vong do sốc nhiệt.
Ngoài ra, chất lượng không khí cũng trở nên suy giảm khi nhiệt độ Trái đất tăng lên. Lúc này, tầng ozon dày lên, lớp sương mù quang hóa càng dày, không khí càng bẩn do khí thải từ các hoạt động của con người.
Băng tan cũng là vấn đề nan giải khi nhiệt độ Trái đất tăng lên. Hiện nay, nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi, khiến băng tan nhanh hơn. Băng tan khiến mực nước biển dâng cao và có thể dẫn đến hiện tượng nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, nhiều hòn đảo và vùng thấp sẽ đứng trước nguy cơ chìm trong biển nước.
Khi lượng khí thải ngày càng tăng cao, nước biển sẽ càng có tính axit hơn do chúng hấp thụ trực tiếp từ khí thải. Nồng độ axit tăng sẽ khiến sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, ví dụ như loài động vật giáp xác như cua, tôm... hay san hô. Ngoài ra, khi nhiệt độ Trái đất tăng lên, những loài động vật mặt đất phải thay đổi tập tính để tránh nóng nếu không sẽ tuyệt chủng nếu thích nghi không kịp.
Có thể thấy, nhiệt độ Trái đất có tác động rất lớn tới sinh tồn của nhân loại. Để đạt được nhiệt độ ôn hòa, thế giới phải kiểm soát được lượng khí thải ròng về 0. Đó chính là lý do nâng tầm quan trọng của mục tiêu Net Zero.
Hai trạng thái đối lập của một Trái đất nóng lên và một Trái đất ôn hòa. Bạn chọn hành tinh nào chính là hành động của bạn ngay từ bây giờ.
Có thể đạt Net Zero bằng cách nào?
Chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Nó đòi hỏi không gì khác hơn là một sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển. Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải carbon.