Nếu không bị tuyệt chủng, khủng long sẽ trông như thế nào ở hiện tại?
Thảm họa khủng long tuyệt chủng đã làm cho mọi loài tiến hóa, trong đó có các loài linh trưởng nguyên thủy về sau tiến hóa thành loài người chúng ta ngày nay.
66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh đã lao vào Trái đất với sức mạnh bằng 10 triệu quả bom nguyên tử và làm thay đổi toàn bộ quá trình tiến hóa.
Bầu trời tối đen và các loài cây không thể quang hợp được nữa. Cây chết, và những loài động vật ăn cỏ cũng chết. Chuỗi thức ăn sụp đổ. Hơn 90% tất cả các loài sinh vật biến mất. Khi bụi lắng xuống, toàn bộ khủng long tuyệt diệt, chỉ còn lại một vài loài chim sống sót.
Nhưng thảm họa đó đã làm cho mọi loài tiến hóa. Những loài thú có vú sống sót đã có cơ hội phát triển, trong đó có các loài linh trưởng nguyên thủy về sau tiến hóa thành loài người chúng ta ngày nay.
Điều gì diễn ra nếu khủng long vẫn tiếp tục sinh sống?
Thử tưởng tượng nếu tiểu hành tinh đó bay chệch và không đâm vào Trái đất, và khủng long vẫn tiếp tục sinh sống thì sao? Phải chăng những con chim ăn thịt sẽ cắm cờ trên Mặt trăng? Các nhà khoa học khủng long khám phá ra thuyết tương đối hay thảo luận về một thế giới giả định trong đó các loài động vật có vú đã hoàn toàn chiếm lĩnh Trái đất?
Bức tranh đó giống như một câu chuyện khoa học viễn tưởng không mấy hay ho, nhưng nó cũng gợi ra những câu hỏi triết học sâu sắc về sự tiến hóa. Liệu loài người có mặt ngày hôm nay một cách tình cờ hay sự tiến hóa của loài người thông minh là tất yếu?
Bộ não, các công cụ, ngôn ngữ và các nhóm cộng đồng xã hội tạo nên chúng ta là loài ưu việt trên hành tinh này. Có khoảng 8 tỷ người đứng thẳng đang sống trên 7 lục địa. Nếu tính về khối lượng, thì loài người đông đúc hơn tất cả các loài động vật hoang dã.
Các loài khủng long và thú có vú qua thời gian. (Ảnh: Nick Longrich).
Chúng ta đã cải tạo một nửa diện tích đất của Trái đất để nuôi sống bản thân. Bạn có thể nói rằng những sinh vật như con người nhất định phải tiến hóa mà thành.
Trong những năm 1980, nhà cổ sinh vật học Dale Russel ở Trường đại học Bắc Carolina, Mỹ, đã đề xuất một thí nghiệm tưởng tượng trong đó một con khủng long ăn thịt tiến hóa thành một sinh vật thông minh biết sử dụng các công cụ. Loài vật hậu duệ của khủng long này có bộ não lớn, các ngón tay đối xứng nhau và đứng thẳng trên hai chân. Điều đó là không thể nhưng cũng không phải không thể xảy ra.
Đặc điểm sinh học của một loài vật hạn chế hướng tiến hóa của nó. Điểm xuất phát của bạn sẽ giới hạn điểm cuối cùng của bạn.
Nếu bạn bỏ học đại học, gần như chắc chắn bạn không thể trở thành bác sỹ phẫu thuật não, luật sư hay nhà khoa học tên lửa của NASA, nhưng bạn có thể là một nghệ sỹ, diễn viên hoặc doanh nhân. Những con đường chúng ta đi trong đời mở ra một số cánh cửa và đóng lại những cánh cửa khác. Điều đó cũng đúng trong quá trình tiến hóa.
Mối liên kết giữa những loài khủng long khổng lồ
Hãy xem xét kích thước của các loài khủng long. Bắt đầu vào kỷ Jura, khủng long chân thằn lằn có tên thằn lằn sấm (Brontosaurus) cùng họ hàng của nó đã tiến hóa thành những con vật khổng lồ dài gần 30 mét, nặng khoảng 30 - 50 tấn, gấp 10 lần 1 con voi và dài bằng một con cá voi xanh.
Đặc điểm sinh học của một loài vật hạn chế hướng tiến hóa của nó.
Điều tương tự cũng xảy ra với các loài khủng long: lương long cổ dài (Diplodocidae), uyển long (Brachiosauridae), Turiasauridae, Mamenchisauridae, và thằn lằn hộ pháp (Titanosauria).
Điều này xảy ra trên các lục địa khác nhau, vào các thời kỳ khác nhau và khí hậu cũng khác nhau, từ sa mạc đến rừng mưa nhiệt đới nhưng các loài khủng long khác cũng sống trong cùng môi trường thì không tiến hóa thành khổng lồ như vậy.
Mối liên kết chung giữa những loài tiến hóa thành khổng lồ này là chúng đều là khủng long chân thằn lằn (Sauropod). Một điều gì đó trong giải phẫu của Sauropod, như là phổi, xương rỗng với tỷ lệ sức mạnh so với khối lượng, sự trao đổi chất, hoặc tất cả những yếu tố đó, chính là chìa khóa mở ra tiềm năng tiến hóa của chúng.
Những yếu tố đó cho phép chúng phát triển trở nên khổng lồ theo một cách mà các loài động vật trên cạn khác sống trước hoặc sau chúng đều không có được.
Nếu không tuyệt chủng, khủng long sẽ tiến hóa đến đâu?
Khủng long phát triển cơ thể rất tốt nhưng bộ não thì không to lên nhiều. Vào cuối kỷ Phấn trắng, tức là khoảng 80 triệu năm sau, khủng long bạo chúa và khủng long mỏ vịt tiến hóa hơn và có bộ não lớn hơn, nhưng một con T.rex cũng chỉ có bộ não nặng 400 gam, một con Raptor cũng chỉ có não nặng 15 gam, trong khi bộ não trung bình của con người nặng 1,3 kg.
Dường như chúng cũng có đời sống xã hội ngày càng phức tạp hơn. Chúng bắt đầu sống thành đàn và phát triển sừng phức tạp để chiến đấu và dương oai. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều tiến hóa lặp lại thành động vật ăn cỏ khổng lồ và động vật ăn thịt có bộ não nhỏ.
Chỉ có khoảng 100 triệu năm trong lịch sử loài khủng long thể hiện rằng chúng sẽ phát triển khác đi nếu tiểu hành tinh kia không đâm vào Trái đất. Chúng vẫn có thể tồn tại là những động vật ăn cỏ siêu khổng lồ, cổ dài và những loài săn mồi to lớn như khủng long bạo chúa.
Não của chúng có thể đã to hơn một chút, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy chúng tiến hóa đến mức khôn ngoan. Và cũng không có gì cho thấy động vật có vú có khả năng thay thế khủng long. Khủng long như kẻ độc quyền trong môi trường cho đến tận khi tiểu hành tinh tấn công.
Trong khi đó, động vật có vú lại có những hạn chế khác. Chúng chưa bao giờ tiến hóa thành động vật ăn cỏ và ăn thịt siêu khổng lồ, nhưng chúng liên tục phát triển với bộ não to ra. Bộ não đã tiến hóa ở cá kình, cá nhà táng, cá voi sừng tấm, voi, báo, hải cẩu và vượn.
Mô hình hậu duệ của khủng long. (Ảnh: Dale Russel và Ron Seguin, Bảo tàng Thiên nhiên Canada).
Ngày nay, một số hậu duệ của khủng long, tức là các loài chim như quạ và vẹt, có bộ não phức tạp. Những con vật này có thể sử dụng một số công cụ, có thể nói chuyện và đếm. Tuy vậy, chỉ có những động vật có vú như vượn, voi và cá heo mới tiến hóa với bộ não lớn nhất và có những hành vi phức tạp nhất.
Vậy thì việc loại bỏ khủng long có phải là điều kiện đảm bảo cho động vật có vú tiến hóa trở nên thông minh không? Có lẽ là không.
Hai yếu tố tạo nên sự tiến hóa của loài người
Điểm khởi đầu có thể giới hạn điểm kết thúc, nhưng không hề đảm bảo cho điểm kết thúc. Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg đều bỏ học đại học, nhưng nếu việc bỏ học tự động biến bạn thành tỷ phú thì tất cả những người bỏ đại học đều trở nên giàu có. Ngay cả khi bắt đầu ở đúng nơi đúng thời điểm, bạn vẫn cần có cơ hội, nỗ lực và cả may mắn.
Lịch sử tiến hóa của các loài linh trưởng cho thấy sự tiến hóa của con người là điều không thể tránh khỏi. Ở châu Phi, các loài linh trưởng đã tiến hóa thành vượn người có bộ não lớn và trong hơn 7 triệu năm đã sinh ra loài người hiện đại. Nhưng ở những nơi khác, sự tiến hóa của linh trưởng lại đi theo những con đường khác.
Kích thước bộ não so với khối lượng cơ thể của khủng long, thú có vú và các loài chim. (Ảnh: Nick Longrich).
Khi những con khỉ di cư đến Nam Mỹ 35 triệu năm trước, chúng chỉ tiến hóa biến thành nhiều loài khỉ hơn. Còn các loài linh trưởng đã đến Bắc Mỹ ít nhất trong 3 đợt khác nhau, vào 55 triệu năm, 50 triệu năm và 20 triệu năm trước. Tuy vậy, chúng đã không tiến hóa thành một loài biết chế tạo vũ khí hạt nhân và điện thoại thông minh, mà vì những lý do chúng ta vẫn chưa hiểu được, chúng đã bị tuyệt chủng.
Ở châu Phi, và chỉ riêng châu Phi thôi, linh trưởng đã tiến hóa theo một cách độc nhất vô nhị. Có một cái gì đó trong hệ động vật, thực vật hoặc địa lý của châu Phi đã thúc đẩy sự tiến hóa của vượn theo hướng sống trên cạn, có thân hình to lớn, bộ não lớn và biết sử dụng các công cụ.
Ngay cả khi khủng long đã hoàn toàn biến mất, quá trình tiến hóa của loài người chúng ta vẫn cần sự kết hợp chuẩn xác giữa cơ hội và sự may mắn.