Nghiện nói đùa có thể là dấu hiệu của chứng bệnh thần kinh
Đôi khi chúng ta thấy có khiếu hài hước là một điều may mắn, vì nó giúp ta kết nối với những người xung quanh nhanh chóng hơn. Nhưng đối với những người mắc hội chứng Witzelsucht thì hài hước thật đáng sợ, vì nó khiến người bệnh biến thành những kẻ vô duyên.
Hai chuyên gia về não đến từ Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ (UCLA) đã công bố hai nghiên cứu trên Tạp chí Thần kinh học và Khoa học thần kinh lâm sàng về vấn đề “Chấn thương não hoặc chứng mất trí nhớ có thể dẫn đến việc cười đùa miễn cưỡng quá mức”. Tên khoa học của căn bệnh này là Witzelsucht (một từ tiếng Đức, nghĩa là “nghiện nói đùa”), và đây thực sự là một căn bệnh thần kinh.
Những người mắc chứng "nghiện nói đùa"
Một người đàn ông giấu tên, 69 tuổi, đã liên tục đánh thức vợ mình vào nửa đêm chỉ để kể những câu chuyện cười mà ông chợt nghĩ ra. Điều này đã diễn ra liên tục trong suốt 5 năm và chỉ dừng lại khi vợ ông không thể chịu đựng nổi nữa. Thay vào đó, ông quyết định viết những chuyện cười, nhưng câu chơi chữ hài hước,... vào một quyển sổ tay. Quyển sổ của ông đã được phủ kín 50 trang và mãi sau này ông mới tiết lộ với các nhà khoa học.
Ông có thể cười không ngớt trước những điều mình nói ra, nhưng không thể cười vui vẻ bởi những câu chuyện cười khác. Trong một bài trắc nghiệm của nghiên cứu, ông hoàn toàn tỉnh táo và có khả năng xác định được đâu là truyện cười và đâu không phải. Tuy nhiên ông không hề cảm thấy chúng buồn cười, nhưng với một câu nói nhạt thếch của chính mình thì ông lại không thể ngừng khúc khích.
Người đàn ông không thể ngừng việc kể chuyện cười với vợ vào lúc nửa đêm. (Ảnh minh họa).
Một người đàn ông khác mắc chứng mất trí nhớ đã bị đuổi việc ở tuổi 57. Nguyên nhân là do ông không thể kiểm soát được bản thân khi thốt lên: “Ối, ai đã chọn địa điểm văn phòng khủng khiếp như vậy?”. Các nhà nghiên cứu mô tả về hành vi của ông là “thường xuyên phá lên cười, gần như là luôn khúc khích trước mọi lời nói, ý kiến, nhận xét hay trò đùa của chính mình”.
Các câu chuyện cười của ông phần lớn mang màu sắc tình dục hoặc chính trị. Cũng như trường hợp trên, ông không hề thấy các câu chuyện cười “thực thụ” có gì thú vị, mà chỉ cười vì những câu bản thân nói ra.
Ông thường nhảy theo nhạc disco khi đến phòng nghiên cứu và không ngừng trêu đùa những nhà khoa học khi họ đi qua. Thậm chí, ông còn túm lấy caravat của họ để so sánh với nhau.
Hội chứng "nghiện nói đùa" là biểu hiện của vấn đề thần kinh
Thực tế việc hai người đàn ông ở trên thích kể chuyện cười hay đùa giỡn không phải vì họ có tính cách "vô duyên" như vậy mà đó là dấu hiệu về vấn đề thần kinh vốn đã tiềm ẩn sẵn.
Trong trường hợp của người đàn ông đầu tiên, ông thực sự mắc bệnh thần kinh. Mười năm trước, khi tham gia cuộc nghiên cứu, ông đã bị xuất huyết não, từ đó hành vi dần thay đổi. Ban đầu, ông “nghiện” tái chế. Ông đã lục tung hàng trăm thùng rác để tìm được đồ tái chế, thậm chí còn liên tục “tích trữ” khăn giấy từ các nhà hàng. Năm năm sau, hành vi này chuyển sang một dạng khác, khiến cuộc đời ông trở thành một tấn bi hài kịch. Ông bắt đầu nghiện cười đùa, nói chơi chữ, … đến mức cuộc hôn nhân giữa ông và vợ dần tan vỡ.
Còn ở người đàn ông thứ hai, sau khi ông chết, quá trình mổ não để xét nghiệm tử thi cho thấy ông mắc bệnh Pick - một dạng mất trí nhớ, gây ra tình trạng teo thuỳ não nghiêm trọng.
Hội chứng Witzelsucht biến sự hài hước thành nỗi ám ảnh cho người bệnh.
Lý do của hội chứng "nghiện nói đùa"
Cả hai trường hợp trên không ai chết vì cười cả, gia đình và bạn bè cũng vô cùng kiên nhẫn với tính cách này của họ. Tuy hội chứng này không gây ra sự việc gì nguy hiểm nhưng nó thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.
Nghiên cứu của UCLA cho rằng hai trường hợp trong thí nghiệm đều có dấu hiệu của sự tổn thương vùng thùy não trước, nhất là phần não phải.
Ảnh hưởng ở thùy não có thể là nguyên nhân dẫn tới hội chứng "nghiện nói đùa". (Ảnh minh họa).
Đây là bộ phận quan trọng của não, giúp chúng ta có khả năng phản ứng với những trò đùa và hiểu được những câu chơi chữ. Khi mắc hội chứng này, người bệnh vẫn nhận diện được đâu là chuyện đáng cười, nhưng họ không thể cười trước những trò đùa lắt léo, những trò đùa lạ lẫm, chưa nghe bao giờ hoặc do người khác kể. Và cũng vì hội chứng này mà họ không thể ngăn bản thân “sản xuất” những trò đùa nhạt nhẽo.
Mặc dù chứng "nghiện nói đùa" không phải là một căn bệnh nguy hiểm chết người nhưng nó sẽ gây khó khăn khi giao thiệp với người xung quanh. Đây còn là một trong những dấu hiệu của các chứng bệnh nghiêm trọng liên quan đến não bộ. Một số trường hợp cười quá mức lại dẫn đến trầm cảm nặng. Được biết, chúng còn có khả năng gây nên chứng “cuồng làm chuyện yêu” – hypersexuality. Những người này thường chờ chực từ ngữ và các trò đùa liên quan tới “chuyện giường chiếu”.