Người châu Âu tiền sử thích ăn cay
Nền văn minh của người tiền sử Bắc Âu rất thích thức ăn cay. Họ sử dụng tỏi, mù tạt như một loại gia vị trong các món ăn hàng ngàn năm trước.
Nhóm nhà nghiên cứu những "nồi nấu ăn cổ đại" đã tìm thấy dấu vết của nhiều loại gia vị trên các mảnh gốm. Chúng được khai quật tại địa điểm khảo cổ ở Đan Mạch và Đức thời kỳ đồ đá mới, khoảng 6.200 đến 5.900 năm trước đây, Live Science đưa tin.
Một mảnh gốm của nồi nầu ăn cổ xưa. (Ảnh: University of York/BioArCH)
Giới khoa học nghĩ đến hai giả thuyết về hoạt động ẩm thực thời cổ đại. Giả thuyết thứ nhất chiếm ưu thế hơn là con người thời kỳ đó ăn uống chỉ để đáp ứng lượng calo trong ngày, và họ chưa biết cách chế biến thức ăn. Giả thuyết thứ hai cho rằng, thực phẩm có tác động tới xã hội, và con người thời đó đã biết tiếp cận với các kỹ thuật nấu ăn phức tạp.
Hayley Saul, một nhà khảo cổ học tại Đại học York của Anh, nói: "Các bằng chứng về gia vị cho thấy việc cung cấp năng lượng không phải là mục đích duy nhất của thức ăn. Người tiền sử đã sáng tạo hơn trong việc chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị món ăn hàng ngày".
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dư lượng trong các nồi nấu ăn cổ xưa và tìm thấy nhiều loại gia vị tương tự thời hiện đại như tỏi, mù tạt có hương vị cay mạnh. Nhóm chuyên gia cũng phát hiện thấy dư lượng cá, mỡ động vật và phần còn lại của tinh bột. Điều này cho thấy tỏi, mù tạt được sử dụng để ướp các loại thực phẩm này.
"Sự kết hợp giữa thực phẩm và gia vị là một nghệ thuật ẩm thực cổ xưa, có truyền thống lâu đời hơn những gì chúng ra nghĩ. Việc này xuất hiện trong nền văn minh Bắc Âu trước khi việc buôn bán gia vị bắt đầu", Hayley Saul nói. Kết quả chi tiết của nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE.