Người Địa Trung Hải nhập khẩu đồ ăn từ 3.700 năm trước
Các nhà khoa học phân tích cao răng từ những hài cốt ở phía đông biển Địa Trung Hải và phát hiện dấu tích của vừng, đậu tương, nghệ, chuối.
Người Địa Trung Hải có thể đã thưởng thức đồ ăn Nam Á và Đông Á từ hàng nghìn năm trước, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hôm 21/12.
Người cổ đại kỳ công mang về nhiều loại thức ăn từ nơi xa. (Ảnh: Nikola Nevenov).
Philipp Stockhammer, chuyên gia tại Đại học Ludwig Maximilian Munich (Đức), cùng đồng nghiệp phân tích mẫu thức ăn trên răng của 16 hài cốt từ thế kỷ 11-17 trước Công nguyên. Họ từng sống tại Levant, khu vực nằm ở phía đông biển Địa Trung Hải, và đến từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Nhóm nghiên cứu phát hiện những người này tiêu thụ thức ăn từ Nam Á và Đông Á, gồm vừng, đậu tương, nghệ, chuối. Họ ăn chúng sớm hơn hàng trăm năm, thậm chí với đậu tương là hơn một nghìn năm, so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
"Trước đây, chúng tôi luôn nghĩ sự "toàn cầu hóa" cổ xưa này chỉ giới hạn ở kim loại và đá quý. Giờ chúng tôi nhận ra toàn cầu hóa cũng gồm cả thức ăn", Stockhammer nói. Nhóm nghiên cứu của ông xác định loại thức ăn nhờ phân tích cao răng - mảng bám cứng thường bị loại bỏ trong quá trình khai quật và làm sạch hài cốt.
Stockhammer hy vọng nghiên cứu mới góp phần khẳng định giá trị của việc phân tích cao răng. Việc loại bỏ cao răng của các hài cốt có thể đánh mất nhiều thông tin khoa học quý giá. "Vẫn còn nhiều điều chúng tôi chưa rõ về thức ăn ở châu Phi, Australia và châu Mỹ trong quá khứ. Tôi cho rằng có thể áp dụng kỹ thuật phân tích cao răng với các khu vực khác", Stockhammer nói.
"Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ rằng người xưa chỉ ăn những thứ có sẵn xung quanh. Từ xa xưa, con người đã quan tâm đến hương vị khác lạ, thực phẩm từ nơi khác và những món ăn cầu kỳ. Họ dành nhiều công sức để có được nhiều món ăn đa dạng", ông bổ sung.