Nguyên nhân nổi mề đay không phải ai cũng biết
Bệnh nổi mề đay rất phổ biến, nhưng việc điều trị còn nhiều hạn chế do căn nguyên gây bệnh khá phức tạp. Nguyên nhân nổi mề đay có thể do bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, thậm chí không rõ căn nguyên. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân nổi mề đay thường gặp nhất qua bài viết sau.
Mề đay xảy ra là do các phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch. Khi một phản ứng xảy ra, cơ thể sẽ giải phóng một chất trung gian hóa học là histamin và một số hóa chất khác từ dưới bề mặt da. Nhờ được giải phóng, histamin phá vỡ các liên kết mạch máu gần đó, làm rò rỉ và tích tụ chất lỏng dưới da, dẫn đến hiện tượng sưng viêm. Đồng thời, histamin cũng kích hoạt dây thần kinh cảm giác, từ đó tạo cảm giác ngứa.
Hiện nay, người ta cho rằng, một số tác nhân như dị ứng, vật lý, tự miễn dịch… chính là những yếu tố kích hoạt hệ thống miễn dịch gây bệnh mề đay.
1. Nguyên nhân nổi mề đay thường gặp
Phần lớn, nguyên nhân nổi mề đay thông thường là do dị ứng. Dị ứng sẽ xảy ra khi cơ thể phản ứng với một chất mà nó xem là có hại, được gọi là chất gây dị ứng.
Bất kỳ ai cũng có thể bị dị ứng và mọi thứ đều có thể gây dị ứng. Tuy vậy, nguyên nhân nổi mề đay do dị ứng thường gặp nhất là thực phẩm, thuốc, côn trùng đốt hay nhiễm trùng.
Dị ứng thực phẩm
Trong các nguyên nhân gây nổi mề đay thì dị ứng thực phẩm là một căn nguyên phổ biến nhất. Giống như các loại dị ứng khác, dị ứng thực phẩm là do hệ miễn dịch xác định nhầm một thực phẩm là yếu tố ngoại lai và cố gắng tiêu diệt nó.
Về lý thuyết, thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, không phân biệt nguồn gốc từ động vật hay thực vật. Tuy nhiên, theo một vài nghiên cứu, những thực phẩm giàu protein (đạm) là dễ gây dị ứng hơn cả, điển hình là hải sản có vỏ, trứng, sữa, đậu phộng, hạt cây hay một số loại quả như dâu tây, kiwi hoặc đồ uống lên men như rượu bia … Những thực phẩm thông thường, “lành nhất” cũng có thể gây dị ứng, nổi mề đay chứ không chỉ thực phẩm tổng hợp.
Dị ứng thực phẩm là một nguyên nhân gây bệnh mề đay.
Dị ứng thuốc
Trong nhiều trường hợp, thuốc chính là nguyên nhân của bệnh nổi mề đay, mẩn ngứa. Tất cả các loại thuốc và đường đưa thuốc (uống, đặt, tiêm, bôi …) vào cơ thể đều có thể gây dị ứng, nổi mề đay.
Các loại thuốc dễ gây nổi mề đay, dị ứng nhất là kháng sinh, đặc biệt là nhóm beta lactam; thuốc chống viêm không steroid như aspirin; các loại vắc xin, huyết thanh… Thậm chí, thuốc chống dị ứng như glucocorticoid hay kháng histamin tổng hợp như claritin cũng có thể tác động làm mề đay xuất hiện.
Mề đay do thuốc thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau đó vài ngày, có thể đơn thuần hoặc kèm với sốt, nổi hạch, đau khớp …
Côn trùng đốt
Hầu hết khi con người bị côn trùng cắn hoặc đốt đều gây ra một phản ứng nhẹ. Ở người bình thường, khi bị côn trùng độc hoặc không độc đốt vào da, nó sẽ gây ra một cảm giác châm chích hoặc đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ, kèm ngứa trong một thời gian ngắn. Với người có cơ địa nhạy cảm, nọc độc của côn trùng có thể gây ra một phản ứng dị ứng trầm trọng được gọi là sốc phản vệ, có thể dẫn đến phù nề, khó thở và ngứa phát ban (mề đay) toàn thân. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng, phải được quan tâm và điều trị kịp thời.
Dị ứng côn trùng đốt có thể gây nổi mề đay, mẩn đỏ.
Do nhiễm trùng
Một nguyên nhân nổi mề đay thông thường khá phổ biến là do nhiễm virus như viêm virus gan siêu vi B, C; nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng, bộ phận tiêu hóa, miệng, nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun, sán) …
Ở những trường hợp nổi mề đay do nhiễm trùng, việc xác định nguyên nhân gây bệnh đều rất khó khăn, do phải làm nhiều các xét nghiệm mới tìm được kết quả.
2. Nguyên nhân nổi mề đay do các tác nhân vật lý
Mề đay vật lý là tình trạng phát ban da được kích hoạt bởi một số yếu tố vật lý như áp lực, nóng, lạnh, ra mồ hôi, nước và ánh sáng mặt trời. Nguyên nhân gây bệnh mề đay vật lý chưa được biết rõ, song các nhà khoa học cho rằng, nó là kết quả của các phản ứng tự miễn, còn gọi là tự kháng thể. Cũng bởi tự miễn dịch và cơ chế không dị ứng nên mề đay vật lý có xu hướng kéo dài, tái phát nhiều lần dẫn đến giai đoạn mãn tính.
Mề đay vật lý có nhiều loại, bao gồm: da vẽ nổi, mề đay lạnh, mề đay cholinergic, mề đay áp lực và mề đay mặt trời.
Da vẽ nổi là một dạng điển hình của mề đay vật lý.
3. Tiếp xúc với chất hữu cơ hay hóa học gây nổi mề đay
Mề đay cũng có thể xuất hiện do tiếp xúc với các loại hóa chất, bao gồm mỹ phẩm, chất phụ gia thực phẩm hay chất tẩy rửa thông thường… Nguyên nhân gây bệnh mề đay do tiếp xúc với chất hữu cơ gặp nhiều ở phụ nữ và trẻ nhỏ.
4. Các bệnh khác là nguyên nhân nổi mề đay
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh mề đay và các bệnh hệ thống có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Ở những trường hợp nổi mề đay do mắc các bệnh hệ thống, thì cơ chế gây bệnh chủ yếu là do phản ứng tự miễn dịch. Vì vậy, nếu bạn mắc một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp hay bệnh thận mãn tính thì mề đay, mẩn ngứa xuất hiện là điều không tránh khỏi.
Theo các bác sĩ da liễu, mề đay không thể chấm dứt nếu người bệnh không được điều trị bệnh lý gây ra mề đay một cách triệt để. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh lý gây nổi mề đay cũng là thách thức không hề nhỏ với cả người bệnh và thầy thuốc. Chính vì lý do này, mà mề đay do mắc các bệnh hệ thống thường có xu hướng kéo dài thành mãn tính bởi chưa có phương pháp điều trị các bệnh tự miễn dịch.
Các bệnh về tuyến giáp có thể gây nổi mề đay, mẩn ngứa.
5. Do di truyền
Qua các xét nghiệm cho thấy, bệnh nổi mề đay được xác định do yếu tố di truyền qua gen chiếm tỉ lệ khá thấp (khoảng 5-7%). Với những đối tượng này, việc điều trị mề đay thường không dứt điểm do bệnh phụ thuộc vào cơ địa.
6. Do tự phát (nổi mề đay vô căn)
Ngoài các nguyên nhân gây nổi mề đay ở trên, có không ít các trường hợp mắc bệnh mề đay là do tự phát hoặc không rõ nguyên nhân nổi mề đay. Cũng bởi không thể xác định nguyên nhân, nên nổi mề đay tự phát rất khó điều trị do chỉ có thể tác động đến các triệu chứng bên ngoài.