Nhà máy sản xuất amoniac xanh đầu tiên trên thế giới mở cửa
Nhà máy mới sẽ sản xuất 5.000 tấn amoniac xanh mỗi năm, thay thế cho amoniac xám vốn sử dụng nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường.
Ba công ty công nghệ năng lượng Đan Mạch gồm Topsoe, Skovgaard Energy và Vestas mở cửa nhà máy sản xuất amoniac xanh đầu tiên trên thế giới tại thị trấn Ramme, Đan Mạch, New Atlas hôm 28/8 đưa tin. Nhà máy mới có khả năng sản xuất 5.000 tấn amoniac xanh mỗi năm, hoàn toàn từ năng lượng mặt trời và gió, giúp giảm 8.200 tấn khí thải CO2 hàng năm.
Nhà máy có khả năng sản xuất 5.000 tấn amoniac xanh mỗi năm. (Ảnh: Topsoe).
Sản lượng này đã tính đến sự dao động tự nhiên trong mức năng lượng mà pin mặt trời và turbine gió sản xuất được. Nhà máy sẽ tối ưu hóa quá trình điện phân và tổng hợp amoniac dựa trên những dao động này, đồng thời tăng hiệu quả chi phí.
Sản xuất amoniac xám - sử dụng nhiên liệu hóa thạch - đang là phương pháp phổ biến trên thế giới, chiếm khoảng 1,2% tổng lượng CO2 thải ra. Theo công ty đa quốc gia McKinsey, loại bỏ phương pháp này sẽ giúp giảm lượng khí thải tương đương với 1,5 lần khí thải của toàn bộ nước Pháp.
Amoniac xanh là một sự thay thế trực tiếp cho amoniac xám trong sản xuất phân bón và các ứng dụng công nghiệp. Chuyển đổi từ amoniac xám sang amoniac xanh là một trong những cách dễ dàng để giảm khí thải từ nông nghiệp. Thêm vào đó, khi các quốc gia chuyển sang sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn, chi phí sản xuất sẽ giảm đi.
Dù amoniac xanh chủ yếu được sử dụng để sản xuất phân bón (khoảng 70% nguồn cung toàn cầu), nó cũng giúp vận chuyển hydro một cách an toàn và rẻ. Amoniac cũng có tiềm năng được dùng như một loại nhiên liệu hiệu quả. Nhà máy tại Đan Mạch là một minh chứng ấn tượng của công nghệ chuyển đổi điện Power-to-X, mở đường cho nhiều cơ sở sản xuất amoniac xanh mọc lên trên khắp thế giới.