Nhà máy thu giữ CO2 trực tiếp lớn nhất thế giới hoạt động
Nhà máy lớn nhất thế giới được thiết kế để hút carbon dioxide (CO2) trong khí quyển giống như máy hút chân không khổng lồ bắt đầu hoạt động ở Iceland hôm 8/5.
Mammoth là nhà máy thương mại thu giữ CO2 trực tiếp thứ hai mở bởi công ty Thụy Sĩ Climeworks ở Iceland, lớn gấp 10 lần so với cơ sở tiền nhiệm là nhà máy Orca bắt đầu vận hành vào năm 2021, theo CNN. Thu giữ CO2 trực tiếp (DAC) là công nghệ được thiết kế để hút khí và lọc carbon bằng hóa chất. Sau đó, carbon được chôn sâu dưới lòng đất, tái sử dụng hoặc biến đổi thành sản phẩm rắn.
Climeworks lên kế hoạch vận chuyển carbon xuống lòng đất, nơi nó sẽ biến đổi thành đá trong quá trình tự nhiên. Họ đang hợp tác với công ty Iceland Carbfix cho quá trình thu giữ này. Toàn bộ hoạt động diễn ra nhờ năng lượng địa nhiệt sạch và dồi dào của Iceland.
Nhà máy Mammoth của Climeworks ở Hellisheiði, Iceland bắt đầu vận hành từ ngày 8/5. (Ảnh: Oli Haukur Myrdal/Climeworks).
Những giải pháp khí hậu thế hệ mới như DAC đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý từ chính phủ và công ty tư nhân khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao kỷ lục năm 2023. Khi hành tinh tiếp tục nóng lên kèm theo nhiều hậu quả tồi tệ đối với tự nhiên và con người, nhiều nhà khoa học cho rằng thế giới cần tìm cách loại bỏ CO2 khỏi khí quyển kèm theo cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, công nghệ loại bỏ CO2 như DAC vẫn gây tranh cãi. Những người phản đối cho rằng công nghệ này tốn kém, đòi hỏi nhiều năng lượng và không thể chứng minh hiệu quả ở quy mô lớn. Một số nhà vận động khí hậu cũng lo ngại chúng có thể khiến nhà làm chính sách xao nhãng việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ này chứa đựng nhiều điều không chắc chắn và rủi ro sinh thái, theo Lili Fuhr, giám đốc chương trình kinh tế hóa thạch ở Trung tâm luật môi trường quốc tế.
Climeworks bắt đầu xây dựng Mammoth vào tháng 6/2022 và công ty cho biết đây là nhà máy thương mại thu giữ CO2 trực tiếp lớn nhất thế giới. Mammoth có thiết kế dạng module với không gian dành cho 72 "buồng thu thập", phần chân không của cỗ máy thu giữ CO2 từ không khí, có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển dễ dàng. Hiện nay, 12 buồng trong số đó đã được lắp đặt nhiều buồng khác sẽ được bổ sung trong vài tháng tới. Mammoth sẽ hút tổng cộng 36.000 tấn CO2 từ khí quyển một năm khi chạy hết công suất, tương đương cắt giảm khoảng 7.800 xe chạy bằng gas trên đường mỗi năm.
Climeworks không tiết lộ chi phí chính xác để loại bỏ một tấn CO2, nhưng tiết lộ con số gần 1.000 USD/tấn thay vì 100 USD/tấn, ngưỡng chủ chốt để công nghệ có chi phí rẻ và khả thi. Khi công ty tăng quy mô nhà máy và giảm chi phí, mục tiêu của họ là đạt mức 300 - 350 USD/tấn vào năm 2030 và 100 USD/tấn vào năm 2050, theo Jan Wurzbacher, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc Climeworks.
Nhà máy mới là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo Stuart Haszeldine, giáo sư thu giữ và lưu trữ CO2 ở Đại học Edinburgh. Nhưng ông nhấn mạnh đây vẫn là quy mô nhỏ so với nhu cầu. Mọi thiết bị loại bỏ CO2 trên thế giới chỉ có thể loại bỏ khoảng 0,01 triệu tấn/năm, quá thấp so với mức cần đạt vào năm 2030 là 70 triệu tấn để đáp ứng mục tiêu khí hậu toàn cầu, theo Cơ quan năng lượng quốc tế.
Theo Wurzbacher, Mammoth chỉ là giai đoạn mới nhất trong kế hoạch mở rộng quy mô thu giữ CO2 lên một triệu tấn/năm vào năm 2030 và một tỷ tấn vào năm 2050. Kế hoạch bao gồm các nhà máy DAC tiềm năng ở Kenya và Mỹ.