Nhà nghiên cứu muốn lập kỷ lục ở 100 ngày dưới nước
Joseph Dituri hướng tới lập kỷ lục ở hơn 3 tháng dưới nước để tiến hành nghiên cứu và truyền cảm hứng bảo tồn đại dương.
Dituri sống ở khách sạn dưới nước. (Video: Joseph Dituri)
Từ ngày 1/3, Joseph Dituri, kỹ sư y sinh từng là cựu binh hải quân Mỹ đã không nhìn thấy ánh Mặt trời với mục tiêu trải qua 100 ngày dưới nước nhằm nghiên cứu khoa học. Nếu thành công, kế hoạch tạm trú dưới nước này sẽ phá vỡ kỷ lục thế giới hiện nay do hai nhà sinh vật học ở Tennessee thiết lập vào năm 2014 (73 ngày), theo Smithsonian.
Với biệt danh Tiến sĩ Biển sâu, Dituri sống trong khách sạn dưới nước Jules’ Undersea Lodge ở Key Largo, Florida, nơi ghi nhận kỷ lục trước đó. Khách sạn rộng 9,3 m2 nằm ở độ sâu hơn 9 m sẽ là nơi ở của ông cho tới ngày 9/6. Tại đó, Dituri sẽ tiến hành nghiên cứu và thực hiện các bài giảng ảo cho sinh viên ở Đại học Nam Florida. Cũng trong nghiên cứu này, Dituri sẽ tìm hiểu ảnh hưởng khi sống trong môi trường áp suất cao suốt thời gian dài. Để ngăn nước chảy vào khách sạn, không khí phải được bơm vào thường xuyên để tạo ra áp suất gấp khoảng 1,6 lần trên bề mặt Trái đất.
"Cơ thể người chưa bao giờ ở dưới nước lâu như vậy, vì thế tôi sẽ được theo dõi sát sao", Dituri chia sẻ. "Nghiên cứu này sẽ kiểm tra mọi mặt mà hành trình tác động tới cơ thể, nhưng giả thuyết là sức khỏe của tôi sẽ cải thiện nhiều do áp suất gia tăng".
Joseph Dituri sống trong khách sạn dưới nước Jules’ Undersea Lodge ở Key Largo, Florida.
Giả thuyết trên bắt nguồn từ nghiên cứu chỉ ra những tác động tích cực của áp suất đối với khả năng phát triển và sống sót của tế bào. Dituri hy vọng trải nghiệm dưới nước của ông có thể hé lộ phương pháp đối phó bệnh liên quan tới tuổi tác và kéo dài tuổi thọ. Ông cũng quan tâm tới tiềm năng của liệu pháp bội áp, bao gồm hít thở oxy ở áp suất cao, giúp điều trị thương tích ở não mà nhiều binh lính gặp phải trong thời gian tại ngũ.
Trước khi xuống dưới nước, Dituri đã trải qua các kiểm tra y tế và tâm sinh lý, trong đó có kiểm tra công thức máu, siêu âm, điện tâm đồ và tế bào gốc. Ông sẽ tiếp tục được kiểm tra trong và sau 100 ngày ở dưới nước. Dituri cũng uống vitamin D và có lịch khám tâm lý thường xuyên. "Sức khỏe tâm thần cũng rất quan trọng bởi vì bạn ở trong một môi trường biệt lập và khép kín", Dituri nói.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra một máy theo dõi sức khỏe bằng trí tuệ nhân tạo của NASA, được thiết kế để giúp phi hành gia an toàn trong hành trình dài ngày giữa vũ trụ, sử dụng môi trường dưới nước để mô phỏng không gian. Dự án cũng cung cấp cơ hội thúc đẩy bảo tồn biển và khích lệ các nhà khoa học trẻ tuổi.

Những bãi biển nguy hiểm nhất thế giới
Phần lớn du khách đều muốn đi biển vào mùa hè, nhưng nhiều bãi biển tiềm ẩn những nguy hiểm chết người.

Những sự thật thú vị về cá mập khiến bạn kinh ngạc
Cá mập là một trong những sinh vật biển nguy hiểm nhất của đại dương. Chúng là những sát thủ đáng sợ đối với sinh vật biển cũng như con người. Bên cạnh sự nguy hiểm đó chúng còn có những điều rất thú vị mà bạn không ngờ tới.

Những mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Đó là quy luật cộng sinh.

Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm.

Sự thật đau lòng đằng sau khuyến cáo ngừng ăn tôm hùm Mỹ
Nhiều doanh nghiệp tôm phẫn nộ khi cơ quan bảo tồn ở đất nước cờ hoa khuyến cáo người dân ngừng ăn tôm hùm Mỹ, do hoạt động đánh bắt loài này gây nguy hại đến cá voi trơn.

Dòng đối lưu Đại Tây Dương sắp sụp đổ, "quả bom thời tiết" sẽ nổ khắp thế giới?
Biến đổi khí hậu đang làm chậm các dòng đối lưu mang nước ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc Đại Tây Dương và sẽ khiến hệ thống này sụp đổ hoàn toàn.
