Nhật Bản phát hiện hóa thạch "đà điểu lai khủng long" 121 triệu tuổi
Sinh vật chưa từng được ghi nhận, nay lộ diện ở tỉnh Fukui của Nhật Bản, trông như phiên bản lai kỳ dị của một con đà điểu và khủng long chân thú.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học tỉnh Fukui và Bảo tàng Khủng long tỉnh Fukui, sinh vật lạ này thực ra hoàn toàn là một con khủng long chân thú.
Đó là một nhóm khủng long đa dạng phát triển mạnh trong kỷ Phấn Trắng, bao gồm cả khủng long bạo chúa T-rex, đặc trưng bởi hai chi sau khỏe, linh hoạt và hai chi trước khá mảnh khảnh.
Hóa thạch một phần cơ thể nó đã lộ diện tại Mỏ khủng long Kitanai, thuộc Hệ tầng Kitadani của tỉnh Fukui miền Trung Nhật Bản.
Chân dung "đà điểu lai khủng long" vừa được khai quật ở Nhật Bản.
Loài mới được đặt tên là Tyrannomimus fukuiensis, một thành viên của họ Ornithomimosauria trong nhóm khủng long chân thú. Ornithomimosauria phát triển trong giai đoạn đầu của kỷ Phấn Trắng và tồn tại cho đến khi thế giới khủng long bị diệt vong vào cuối kỷ này.
Loài này phát triển trong suốt tầng Apt của kỷ Phấn Trắng sớm, tức khoảng 121-113 triệu năm về trước.
Thân hình giống đà điểu của chúng cũng đi kèm với khả năng chạy nhanh như đà điểu ngày nay. Nó là một loài ăn cỏ, không có răng nhưng có mỏ cứng.
Việc khủng long giống một loài chim nào đó không phải điều lạ lùng, bởi chính loài chim đã tiến hóa từ nhóm bò sát kinh dị này. Vì vậy, người ta vẫn xem chim như dòng dõi cuối cùng của khủng long còn sống trên địa cầu.
Trước đó các anh em cùng họ của Tyrannomimus fukuiensis đã được tìm thấy ở cả châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi và từng bị nghi ngờ là có cả ở Úc.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports, phát hiện mới này cũng là lời khẳng định cho "dòng dõi ma quái của nó". Cho dù đến kỷ Phấn Trắng mới xuất hiện, nhưng khả năng cao nó có một vị tổ tiên chung đã bắt đầu mở rộng phạm vi sinh sống ở siêu lục địa Pangea trước khi nó tan rã thành kỷ Jura.