Những điều thú vị ít ai biết về loài chuột
Động vật gặm nhấm bao gồm khá nhiều loài, đáng chú ý 40% động vật có vú chính là động vật gặm nhấm. Động vật loài này có răng cửa sắc nhọn và răng của chúng vẫn tiếp tục phát triển ở tuổi trưởng thành. Một vài loại là những động vật phá hoại, lan truyền dịch bệnh. Khi nhắc đến động vật gặm nhấm, chúng ta không thể không nhắc đến một đại diện tiêu biểu là chuột.
Nhiều loại chuột được nuôi như thú cưng hoặc được chọn làm động vật để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Những đặc điểm của loài chuột để khá nhiều nhà khoa học tin dùng là bởi chuột khá thông minh, kích thước vừa phải và sinh sản cũng khá nhiều (một năm, một con chuột cái có thể đẻ tới sáu lần).
Tuy nhiên, còn có nhiều đặc điểm khá thú vị khác nữa của loài chuột mà chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc.
Đuôi của một con chuột có độ dài gần bằng cả cơ thể.
Chuột bị mù màu. Chúng cũng không thích ánh sáng ban ngày. Nói cách khác, chuột là loài hoạt động về đêm. Trong bóng đêm, chúng mới có cơ hội tự tung tự tác.
Thính giác của chuột rất tốt. Chúng có thể nghe thấy những âm thanh trong phạm vi siêu âm. Khi liên lạc với nhau, chuột tạo ra cả những âm thanh thông thường (con người có thể nghe thấy) và cả siêu âm (âm thanh mà tai người không thể nghe thấy được).
Nước tiểu của một con chuột đực khác với nước tiểu của một con chuột cái. Thành phần nước tiểu của chuột đực có 5 yếu tố mà nước tiểu của chuột cái không có.
Chuột khi mới sinh bị mù và chúng cũng không có lông trên cơ thể.
Chuột ngủ hơn 12 tiếng một ngày. Hẳn rất nhiều người trong số chúng ta cũng phải ghen tỵ với loài chuột về mặt này.
Chuột có tổ chức rất gọn gàng. Những con chuột được thuần hóa hay nuôi làm thú cưng còn biết chia tổ thành chỗ để ăn uống, ngủ và đi vệ sinh!
Chuột là động vật khá thông minh. Chúng có thể chơi được một số ô chữ và tìm đường thoát ra khỏi mê cung.
Chuột có thể nhảy được lên cao 50cm. So với kích thước của loài chuột thì đây quả là một con số đáng nể. Không chỉ vậy, chuột cũng là một tay leo trèo và bơi lội cừ khôi.
Trong thần thoại Hy Lạp, thánh Apollo đôi khi được gọi là Apollo Smintheus, nghĩa là thánh Apollo chuột. Trong đền thờ ông còn có một con chuột bạch dưới bàn thờ.
Thánh Hindu Ganesha - vị thánh của may mắn, tài sản và trí tuệ cưỡi một con chuột.
Tại Ai Cập, một con chuột được nấu chín có thể làm vị thuốc chữa nhiều loại bệnh, trong đó có cả đau dạ dày.
Nhiều người ngày nay vẫn tin rằng món thịt chuột nướng có thể chữa được bệnh đái dầm.
Chuột đã được thuần dưỡng hàng trăm năm nay. Ở Anh, câu lạc bộ chuột quốc gia (National Mouse Club of Britain) được thành lập từ năm 1895.
Một số con chuột còn giả chết nếu quá sợ hãi hoặc không tìm được cách thoát thân.
Chuột vẫn chăm sóc các con chuột sơ sinh dù đó không phải là con mà chúng sinh ra.