Những "sự thật không mất lòng" khiến bạn yêu thế giới hơn
Thế giới đang chứng kiến biết bao sự thay đổi chóng mặt từng giây, từng phút, từng giờ. Bên cạnh những tiến bộ khoa học hiện đại, chúng ta không thể không nhắc tới những thách thức toàn cầu rất đáng lo ngại.
Từ chiến tranh, dịch bệnh cho tới đói nghèo hay tệ nạn xã hội, tất cả đều khiến ta có cái nhìn “màu đen” về thế giới này. Tuy nhiên, nếu đọc những sự thật dưới đây, chắc chắn bạn sẽ thấy yêu thế giới mà chúng ta đang sống hơn rất nhiều.
Chiến tranh luôn được coi là thảm họa của toàn thế giới. Tuy nhiên, thống kê của các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo cho thấy, số người chết vì chiến tranh trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đạt mức thấp nhất trong 100 năm trở lại đây.
Con số đó dừng ở mức 55.000 người, bằng một nửa so với thập niên 1990 và 1/3 trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh (1947 - 1991).
Bên cạnh chiến tranh, đói nghèo luôn được coi là thách thức đe dọa tính mạng của toàn xã hội. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm từ 1990 tới 2010, số lượng người sống dưới mức nghèo khổ ở các nước đang phát triển đã giảm tới 22% nhờ các chính sách xã hội đúng đắn.
Không dừng lại ở đó, điều kiện sống được tăng cao khiến tuổi thọ trung bình của con người ngày một gia tăng. Thống kê xã hội học cho thấy, thế hệ sinh ra thập niên 1900 phần lớn không sống qua được tuổi 50. Tuy nhiên, hiện nay, tuổi thọ trung bình ở nhiều quốc gia thậm chí lên tới 81 tuổi.
Trong lĩnh vực y học, con người đang tiến tới rất gần việc giúp con người trẻ mãi không già. Cụ thể, các chuyên gia thuộc ĐH California đã tìm ra loại gene có tên AMPK giúp chống lại sự lão hóa của tế bào.
Nếu làm cho gene này hoạt động trong cơ thể người, một tương lai không tuổi già cho cả nhân loại là điều nằm trong tầm tay chúng ta.
Ngay cả khi con người già đi, các chuyên gia cũng chứng minh được rằng, càng già, chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Nguyên nhân là những người lớn tuổi thường nhớ lại những kỉ niệm đẹp cũng như để tâm hơn tới việc khiến họ yêu thích hơn so với khi còn trẻ.
Không chỉ người lớn tuổi mà trẻ em - tương lai thế giới cũng có cuộc sống ngày một được nâng cao. Theo một báo cáo năm 2012 được công bố bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trẻ em qua đời trước ngày sinh nhật lần thứ năm hiện nay đã giảm một nửa so với năm 1990 (từ 90/1.000 trẻ xuống còn 46/1.000 trẻ).
HIV/AIDS vốn được biết tới là căn bệnh thế kỷ vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, với những tiến bộ y học, thế giới đã ghi nhận trường hợp đầu tiên loại bỏ được virus HIV khỏi cơ thể.
Ngoài ra, nếu như vào năm 1996, một bệnh nhân 20 tuổi có H chỉ sống được thêm 3 - 5 năm thì hiện nay, họ có thể sống tới năm 69 tuổi nếu được chăm sóc đúng cách.
Các chuyên gia cũng chứng minh được rằng con người ngày một thông minh và tài giỏi hơn. Cụ thể, chỉ số IQ trung bình của cả thế giới hiện nay đã tăng 24 điểm so với năm 1914.
Trong khoa học, người ta gọi hiện tượng này là hiệu ứng Flynn, nghĩa là các thế hệ sau càng ngày càng trở nên tài năng hơn thế hệ trước.
Nhờ các công tác tuyên truyền và vận động xã hội, sự cân bằng giới tính trên thế giới đã được cải thiện. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tỉ lệ mất cân bằng nam - nữ trên toàn cầu đã giảm tới 20% từ năm 1995 tới năm 2011.