Những sự thật thú vị về các tuyến đường sắt trên thế giới
Dưới đây là một vài sự thật thú vị về những tuyến đường sắt trên thế giới, từ tuyến đường cao nhất, sâu nhất cho tới dài nhất thế giới đi qua 2 lục địa.
Mỹ có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới với tổng chiều dài là 250.000km.
Glacier Express của Thụy Sĩ là chuyến tàu cao tốc chậm nhất thế giới khi mất tới 8 tiếng để hoàn thành quãng đường dài 291 km. Đó là bởi tuyến đường của chuyến tàu này sẽ đi qua những khung cảnh xinh đẹp từ điểm cao nhất của hành trình là Oberalp Pass cho tới cầu đường sắt Landwasser Viaduct nằm ở độ cao 65m và lao thẳng xuống một đường hầm đi xuyên qua núi. Chuyến hành trình dài cả ngày này đi qua 91 đường hầm và 291 cây cầu.
Tuyến đường sắt dốc nhất thế giới cũng nằm ở Thụy Sĩ. Bám vào sườn núi, chuyến tàu này đi qua những đường hầm được tạc vào núi, tạo nên cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.
Đi qua 2 lục địa, tuyến đường thú vị từ Porto ở Bồ Đào Nha tới Singapore là tuyến đường dài nhất bạn có thể đi chỉ bằng tàu. Quãng đường này dài khoảng 16.000 km và mất 12 ngày để hoàn thành.
Tuyến đường sắt trực tiếp dài nhất thế giới là tuyến đường sắt xuyên Siberia từ Moscow tới Vladivostok. Tuyến đường này đi qua quãng đường dài 9.289 km với 8 múi giờ và mất 166 tiếng để hoàn thành. Chuyến tàu này có 142 điểm dừng, đi qua 87 thành phố và thị trấn.
Đường hầm sắt Gotthard Base ở Thụy Sĩ không chỉ là đường hầm sắt dài nhất mà còn sâu nhất thế giới với quãng đường dài 57km và độ sâu tối đa là 2.450m.
Đường sắt Middleton Railway là tuyến đường sắt lâu đời nhất thế giới vẫn đang vận hành. Được thành lập năm 1758, Middleton Railway ở Leeds, Anh là một tuyến đường sắt di sản ngày nay nhưng ban đầu nó chủ yếu được mở để vận chuyển than đá. Năm 1812, đây là tuyến đường sắt thương mại đầu tiên sử dụng thành công đầu máy xe lửa hơi nước. Việc chở khách chỉ bắt đầu vào năm 1969.
Ga Shinjuku ở Tokyo, Nhật Bản là nhà ga bận rộn nhất thế giới với hơn 3,6 triệu hành khách đi qua mỗi ngày (trước đại dịch Covid-19). Nhà ga này có 200 lối ra và được tạo thành từ 5 nhà ga nhỏ hơn. Nhà ga tấp nập nhất châu Âu là Gare du Nord ở Paris, Pháp khi phục vụ 214 triệu hành khách mỗi năm trong khi nhà ga Penn ở thành phố New York là nhà ga bận rộn nhất Bắc Mỹ với hàng nghìn người qua lại mỗi 90 giây.
Tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng là tuyến đường sắt cao nhất thế giới. Điểm cao nhất của tuyến đường sắt này và cũng là điểm cao nhất trên thế giới mà một con tàu có thể đạt tới là Tanggula Pass, ở mức 5.071m trên mực nước biển.
Có khoảng hơn 20 quốc gia trên thế giới không có mạng lưới đường sắt, chẳng hạn như các quốc đảo Tonga hoặc các quốc gia nhỏ nhất thế giới như San Marino, hay một số quốc gia như Oman, Qatar và Kuwait. Những quốc gia như Malta và Cyprus từng có tuyến đường sắt nhưng đã bị đóng cửa bởi không phù hợp về tài chính. Iceland cũng không có hệ thống đường sắt công cộng chủ yếu do khí hậu khắc nghiệt.