"Nở 10 phân" khi sinh em bé là gì?
Nếu từng đưa vợ đi sinh em bé thì có thể anh em đã từng nghe cô hộ lý nói “bên này nở 4 phân rồi”, “bên kia mở 8 phân rồi”, “hay quá nở 10 phân rồi”... Vậy thì nở đó là nở hoa hay nở gì vậy anh em?
Câu trả lời đó là tình trạng mở cổ tử cung ở sản phụ sắp sinh. Lúc này các bác sĩ hoặc hộ lý sẽ dựa vào độ mở của cổ tử cung từ 1cm - 10cm để phán đoán thời điểm sinh em bé, ví dụ gọi là “mở 4 phân” hoặc có nơi dùng từ là “nở 4 phân”.
Khi sản phụ sinh thường, sẽ có 3 giai đoạn chuyển dạ, tương ứng với độ mở cổ tử cung:
- Giai đoạn 1: chuyển dạ sớm (mở 1cm - 3cm)
Giai đoạn này dài nhất, có khi lên tới 12 tiếng để báo hiệu việc em bé chuẩn bị chào đời. Đa số các sản phụ sinh thường sẽ nhận biết được mình sắp sinh ở giai đoạn này và báo cho người thân để đưa vào bệnh viện, chờ lâm bồn.
Lúc này cổ tử cung của sản phụ sẽ nở từ 1cm - 3cm, để cho dễ hình như thì đường kính 3cm tương đương với một trái nhãn, trái cherry.
Ước lượng độ mở cổ tử cung bằng ngón tay. (Ảnh wikihow).
- Giai đoạn 2: chuyển dạ tích cực (mở 4cm - 7cm)
Giai đoạn này kéo dài trung bình 4 tiếng, cổ tử cung đã được làm mềm và sẽ bắt đầu mở rộng thêm để chờ em bé ra đời. Độ mở sẽ dao động từ 4cm, tương đương với đường kính của một trái chanh, cho đến 7cm, tương đương với đường kính của một lon nước ngọt.
Bảng gỗ để đo độ mở cổ tử cung.
- Giai đoạn 3: em bé chào đời (mở 8cm - 10cm)
Ở giai đoạn cuối, cổ tử cung của sản phụ đã được rút ngắn lại và nở hoàn toàn với độ nở tối đa là 10cm, tương đương với đường kính của cái bánh mì tròn. Ở độ nở maximum này cùng với sự co giãn tự nhiên của âm đạo, các cơn co thắt sẽ kích thích cơ thể sản phụ đẩy nhau thai và em bé ra ngoài. Kết thúc quá trình sinh nở.
Kích thước tương đương của mở cổ tử cung so sánh với đồ vật.