Nobel Prize - giải thưởng triệu USD và hành trình thế kỷ
Afred Nobel đã chết đến 2 lần. Ông là kẻ hiếm hoi trên đời được đọc cáo phó của chính mình. Bản cáo phó đăng trên một tờ báo Pháp tất nhiên chỉ là một sự nhầm lẫn, nhưng hóa ra đã cho ông "được sống" lần thứ hai.
Gán cho nhà phát minh thuốc nổ cái mác "kẻ buôn bán tử thần", tờ báo nọ không ngờ đã khai sinh ra một cuộc đời khác cho Nobel khi ông sử dụng tiền thu được từ buôn thuốc nổ để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
1. Di chúc từ "kẻ buôn bán tử thần"
Tất cả bắt đầu từ một sai sót về báo chí. Năm 1888, tờ báo Pháp đăng tin nhà khoa học phát minh ra chất nổ Alfred Nobel qua đời. Nhưng người chết khi đó là anh trai ông, Alfred Ludvig.
"Tiến sĩ Alfred Nobel, người trở nên giàu có nhờ tìm cách giết người nhanh hơn bao giờ hết, đã qua đời hôm qua". Tờ báo dành cả trang để đăng bài cáo phó với ngôn từ mỉa mai Nobel, "tưởng nhớ" ông như một "kẻ buôn bán tử thần".
Lúc đọc bản cáo phó của chính mình, Nobel, 55 tuổi, đã có trong tay hàng trăm bằng sáng chế mà nổi tiếng nhất là phát minh thuốc nổ. Chính thuốc nổ mang lại cho ông khối tài sản khổng lồ cùng danh hiệu kẻ buôn cái chết.
Chính thuốc nổ mang lại cho ông khối tài sản khổng lồ cùng danh hiệu kẻ buôn cái chết.
Bàng hoàng trước nhận định ấy, Nobel quyết định sử dụng tài sản tặng thưởng cho những thành tựu đem lại lợi ích cho nhân loại. Năm 1897, một năm sau khi Nobel mất, bản di chúc của ông được công bố khiến cả thế giới kinh ngạc. Ông dành 94% tài sản để vinh danh những người có cống hiến trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hòa bình.
"Thực tế rằng một người phát minh ra chất nổ cống hiến tài sản cho giải thưởng hòa bình đã khiến rất nhiều người quan tâm", Wired dẫn lời Gustav Källstrand, quản lý cấp cao của Bảo tàng Nobel cho biết.
Giải Nobel trở thành tâm điểm chú ý bởi khoản tiền thưởng đồ sộ của nó. Trước đó, các nhà khoa học từng được trao huy chương, tặng tiền và thậm chí cả các danh hiệu, ít nhất là từ thời Phục hưng. Nhưng không có giải thưởng nào "hời" như Nobel.
Trong những ngày đầu, giải Nobel trị giá bằng khoảng 20 năm lương của một nhà nghiên cứu, được xem là "phần thưởng thiên tài" đầu tiên cho phép các nhà khoa học theo đuổi đam mê của họ.
Người được Nobel ủy thác thực hiện di chúc là hai kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist. Họ lập ra Quỹ Nobel quản lý khối tài sản trên và trao giải thưởng. Số tiền Nobel để lại cho giải thưởng là 31 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1.712 triệu kronor - khoảng 199 triệu USD thời điểm hiện tại).
Đến nay, người ta vẫn tin rằng chính bản cáo phó của tờ báo Pháp đã đánh thức con người khác trong Nobel, làm sống dậy trong ông khao khát để lại một di sản có ý nghĩa cho xã hội. Các nhà sử học khẳng định “cho dù có rất ít cơ hội để đánh giá lại cuộc đời của mình, Alfred Nobel đã có đủ thời gian làm thay đổi nhận định của bài báo”.
Hơn 100 năm sau, giải thưởng mang tên ông trở thành giải thưởng danh giá cho những đóng góp của con người trên nhiều lĩnh vực. Giải Nobel trở thành vinh hiển của tháp ngà học thuật, là nỗi khao khát từ những phòng thí nghiệm. Trên tất cả, sự ra đời kỳ lạ của giải Nobel và nguồn gốc của khoản tiền thưởng tiếp tục là lời nhắc nhở dành cho nhân loại về năng lực tiềm tàng mà trí tuệ của họ có thể gây nên đối với chính mình và cả Trái đất.
2. Chìa khóa tới tương lai
Chỉ tập trung vào các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, kinh tế, hòa bình, văn học và thường hướng tới những công trình nghiên cứu, tác phẩm có giá trị nhân văn, Nobel thúc đẩy các các nhà khoa học tập trung nghiên cứu với kim chỉ nam chính là con người.
Ở góc độ cá nhân, giải thưởng Nobel có thể đem lại cho người nhận tiền bạc, sự công nhận từ xã hội và cả danh tiếng. Những công trình nghiên cứu được biết đến, hàng loạt trích dẫn khoa học được sử dụng,… một nhà khoa học có thể nhận được nhiều cơ hội khi sở hữu giải thưởng Nobel. Đương nhiên, đi kèm với đó luôn là sự phiền phức.
Điều quan trọng chính là việc Nobel tạo ra sự quan tâm của công chúng đối với khoa học, một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của thế giới. Hiện tượng phóng xạ, penicillin, cấu trúc ADN… đều là những phát hiện vĩ đại, góp phần thay đổi lịch sử nhân loại.
Những giải Nobel nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Câu chuyện về nhà khoa học Alexander Fleming cùng chất penicillin có thể được coi là bước tiến vĩ đại trong lịch sử y khoa thế giới. Trước khi penicillin ra đời, hàng triệu người chết vì nhiễm trùng vết thương và các bệnh truyền nhiễm. Nhờ phát hiện một loại mốc từ nấm Penicillum, Fleming tìm ra loại thuốc kháng sinh đầu tiên của nhân loại.
Năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã chọn lựa người thắng giải Nobel Vật lý là ba nhà khoa học người Anh David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz vì những phát hiện lý thuyết về sự chuyển pha topo học và các pha topo của vật chất.
Reuters dẫn lời của Ủy ban Nobel Vật lý của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển cho biết: “Những người thắng giải Vật lý năm nay đã mở con đường đến với một thế giới chúng ta chưa hiểu rõ, ở đó vật chất thể hiện ở những trạng thái khác lạ".
Đó có thể là những khái niệm xa vời và không dễ hiểu với công chúng, nhưng điều quan trọng là giải Nobel luôn khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ và kích thích niềm đam mê khoa học.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu diễn ra với sự phát triển vượt bậc ở các lĩnh vực công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý, nghiên cứu khoa học ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng.
Những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu, hay những robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới…, tất cả đều phụ thuộc vào khoa học, trong đó có chủ nhân của các giải Nobel danh giá.
Một trong những hạng mục quan trọng của Nobel là giải Hòa bình. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Nobel, Giải Nobel Hòa bình được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Trong suốt hơn một thế kỷ qua, hàng trăm cá nhân, tổ chức có cơ hội được giải thưởng Nobel danh giá công nhận thông qua chính những đóng góp thiết thực của họ trên con đường hướng tới tương lai.
3. Góc khuất của giải thưởng trăm năm danh giá
Như tấm huy chương đôi khi có mặt trái, giải thưởng Nobel cao quý nhất cho các nhà khoa học cũng có những khuất tất trong hơn 100 năm tồn tại.
Rất nhiều đồn đoán chưa rõ thực hư lan truyền xung quanh việc các nhà khoa học lừng danh từ chối nhận giải thưởng này vì cho rằng nó không công bằng, trong số đó có thiên tài Nikola Tesla, một trong những biểu tượng vĩ đại nhất về phát minh và sáng chế về điện.
Năm 1915, báo chí cho rằng Tesla từ chối nhận giải Nobel Vật lý cùng với Thomas Edison vì cho rằng chính Edison đã khai thác rất nhiều công trình nghiên cứu của ông khi hai người làm việc chung. Tuy nhiên, Edison luôn phủ nhận công lao Tesla. Cuối cùng ông qua đời trong nghèo khó, “không một xu dính túi” vào năm 1943.
Khác với trường hợp Tesla, nhà khoa học nữ Elsie Rosalind Franklin đóng vai trò then chốt trong việc giải mã cấu trúc ADN. một trong những bước đột phá khoa học lớn nhất và quan trọng nhất trong thế kỷ XX, nhưng lại không được công nhận.
Người được trao giải Nobel cho việc tìm ra cấu trúc ADN vào năm 1962, 4 năm sau cái chết của Franklin, là James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins chứ không phải Rosalind Franklin. Người ta cho rằng chính James Watson đã "đánh cắp" bức ảnh nhiễu xạ tia X trong ADN của Franklin để giải thích cấu trúc xoắn kép ADN.
Giải Nobel không chỉ chịu chỉ trích về sự thiếu công bằng mà còn bị đánh giá không còn phù hợp trong xu hướng hợp tác, đa dạng và liên ngành nghiên cứu khoa học hiện nay.
Chẳng hạn trong năm 2011, hai nhà khoa học Mỹ Saul Perlmutter và Adam Riess cùng với nhà khoa học Brian Schmidt mang hai quốc tịch Mỹ - Australia đã được trao giải Nobel Vật lý năm 2011 nhờ những nghiên cứu của họ về siêu tân tinh. 3 nhà thiên văn này làm việc trong hai nhóm, nhưng vấn đề là Ủy ban Nobel chỉ hạn chế trao giải cho không quá ba cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng giải sẽ công bằng hơn nếu dành cho tất cả các thành viên của cả hai nhóm.
Biên tập viên Roger Highfield của tạp chí khoa học Newscientist đánh giá sự hợp tác với quy mô lớn đang trở thành một xu hướng tất yếu trong khoa học hiện đại. Những đột phá khoa học thời nay được đến từ hàng chục thậm chí hàng trăm cá nhân trong những tập thể lao động và sự hỗ trợ của nhiều tiểu ngành khoa học khác nhau. Vậy vấn đề chỉ trao cho ba cá nhân có công bằng hay không?
Ngoài ra, việc giải Nobel không được trao cho các ngành khoa học khác như công nghệ dầu khí, nhựa, thuốc trừ sâu... là những ngành khoa học hữu ích của xã hội, bị xem là sự thiên lệch của Ủy ban xét giải Nobel.
Các nhà khoa học đề xuất trong bối cảnh ranh giới giữa các ngành khoa học khá mờ nhạt, ngày càng trở nên đa ngành thì Ủy ban xét giải Nobel nên giới thiệu các danh mục đóng góp khoa học mới và thay đổi hàng năm cho phù hợp.
Cuối cùng, thật trớ trêu là giải thưởng Nobel, vốn để ghi danh những thành tựu khoa học lớn lao, lại thường kéo theo sự suy giảm năng suất nghiên cứu. Đó là bởi người đạt giải sẽ không còn đơn thuần được xem như nhà khoa học vĩ đại, mà còn là "hiền nhân" của công chúng, theo The Conversation.
Andre Geim, khi được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển thông báo dành giải Nobel Vật lý năm 2010, đã thẳng thắn trả lời: "Giải thưởng Nobel làm gián đoạn công việc của tôi. Tôi không chắc nó có phải là sự gián đoạn hữu ích".
Richard Feynman, nhà vật lý người Mỹ gốc Do Thái nhận giải thưởng Nobel năm 1965, viết trong hồi ký rằng sau khi được vinh danh, ông đã rất lo sợ sẽ không thể đạt thêm thành tựu đáng chú ý nào nữa trong sự nghiệp.
"Giải Nobel... giống như gánh nợ. Nó khiến tôi không thể làm rất nhiều việc theo cách dễ dàng, như một người bình thường. Tôi không ngờ là sự nổi tiếng lại tệ hại đến như vậy", Feynman bộc bạch.
4. Nobel 2017 và những dự đoán
Như thường lệ, các hạng mục của giải Nobel năm 2017 sẽ được công bố trong tháng 10. Thông tin về giải thưởng này hoàn toàn được giữ bí mật đến phút chót.
Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng bình chọn, gồm quan chức chính phủ, giáo sư, nhà lập pháp và cả những người từng đoạt giải Nobel có quyền tiết lộ cái tên hoặc tổ chức mà họ đã đề cử.
Theo Guardian, thông tin từ Viện Nobel cho thấy có 319 cá nhân, tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2017. Trong số này bao gồm cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Giáo hoàng Francis, Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu tổng thống Pháp Jacquers Chirac, Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đối với các lĩnh vực y học, hóa học và vật lý, ứng cử viên đến từ nhiều vùng lãnh thổ như Đan Mạch, Ấn Độ, Hy Lạp, Đài Loan, Mỹ, Nga. Đây là lần hiếm hoi dự đoán đề cử Nobel có các nhà khoa học Nga, bao gồm Giám đốc Viện vật lý thiên văn Max Planck ở Đức và Georgiy Shul'pin, nhà nghiên cứu tại Viện Hóa học Vật lý Semenov trực thuộc Học viện Khoa học Nga.
Như thường lệ, các hạng mục của giải Nobel năm 2017 sẽ được công bố trong tháng 10.
Trong khi đó, công trình nghiên cứu hình ảnh dữ liệu não người có thể giúp Giáo sư Karl Friston tại Đại học London dành giải Nobel Y học.
Henry Snaith, giáo sư vật lý đại Đại học Oxford có thể sẽ nhận giải Nobel Vật lý cùng 2 nhà khoa học khác từ Hàn Quốc và Nhật Bản, nhờ những phát hiện trong lĩnh vực năng lượng.
Hôm 25/9, Quỹ Nobel đã quyết định tăng tiền thưởng cho người chiến thắng lên mức 9 triệu kronor (tương đương 1,1 triệu USD), tăng 20% so với mức tiền thưởng cũ, vốn bị điều chỉnh từ năm 2012.
Ngày 2/10, chủ nhân của giải Nobel Y học sẽ được tiết lộ. Đó có thể là nhà khoa học dành cả đời để nghiên cứu bệnh ung thư, HIV, hay bất cứ căn bệnh quái ác nào. Số tiền nhận được có thể đảm bảo kinh tế cho suốt quãng đời khoa học còn lại của người nhận giải.
Nobel, giống Dickson, Lasker-DeBakey,... đều là những giải thưởng danh giá, tôn vinh những nhà khoa học kỳ cựu, những người thường không cần quá nhiều danh tiếng và tiền bạc, bởi họ đã dành hàng chục năm trời cho công tác nghiên cứu và được giới học giả biết đến rộng rãi.
Dĩ nhiên, chủ nhân của những giải thưởng Nobel năm nay luôn xứng đáng được tôn vinh và ghi nhớ. Thế nhưng, những nhà khoa học quan trọng nhất chính là những con người luôn theo đuổi sự thật, đam mê và theo đuổi guồng quay bất tận của lịch sử nhân loại, không vì bất cứ giải thưởng nào.
Giải thưởng Nobel hay Giải Nobel là một giải thưởng quốc tế được tổ chức trao thưởng hằng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình; đặc biệt là giải hoà bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân. Vào năm1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào một giải về lĩnh vực khoa học kinh tế, theo di chúc của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895. Giải Nobel Vật lý, Hóa học và Kinh tế do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đề cử và quyết định. Viện Hàn lâm Thuỵ Điển phụ trách giải Văn học, trong khi Hội đồng Nobel ở Viện Karolinska sẽ trao giải Y Sinh. Giải Nobel Kinh tế mới thành lập vào năm 1968 bởi ngân hàng trung ương Thuỵ Điển (Riksbank) để tưởng nhớ đến Alfred Nobel. Một uỷ ban đặc biệt gồm 5 thành viên do Quốc hội Na Uy bầu ra phụ trách trao giải Hoà bình. |
- Lịch sử Nobel và những điều cần biết
- Bạn biết gì về giải thưởng Nobel danh giá?