Nụ cười quyến rũ là do di truyền
Một nghiên cứu cho thấy cách thể hiện nụ cười được lập trình sẵn trong gene, vì vậy có người sở hữu nụ cười rất quyến rũ song không ít người có thể gây mất cảm tình khi cười.
Trước đây nhiều nhà khoa học cho rằng con người học cách thể hiện cảm xúc bằng cách quan sát người khác. Để xem nhận định này đúng hay sai, David Matsumoto, một nhà tâm lý của Đại học San Francisco (Mỹ), tiến hành thử nghiệm đối với người mù bẩm sinh, bởi họ không thể quan sát người khác ngay từ khi lọt lòng mẹ.
“Người mù bẩm sinh không có cơ hội quan sát cách thể hiện cảm xúc của người khác, nhưng cách họ thể hiện tình cảm hoàn toàn giống cách của người sáng mắt. Như vậy chắc chắn phải có một cơ chế khác”, David giải thích. Ông và cộng sự so sánh các biểu hiện trên khuôn mặt trong 4.800 ảnh chụp các vận động viên Judo trong Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội dành cho người tàn tật năm 2004.
Trong Thế vận hội dành cho người tàn tật, các vận động viên tranh tài theo nhiều vòng để rồi cuối cùng chỉ còn hai người thi đấu ở trận chung kết. Vận động viên thắng giành huy chương vàng, còn người thua nhận huy chương bạc.
Những vận động viên thua trong vòng chung kết có xu hướng nở nụ cười gượng khi bước lên bục nhận huy chương. Với kiểu cười đó, họ chỉ sử dụng các cơ miệng. Trong khi đó, nụ cười của những người giành huy chương vàng huy động sự tham gia của cơ miệng, cơ mắt và cơ má. Vận động viên sáng mắt thua cuộc trong vòng cuối cũng có biểu hiện tương tự.
“Môi dưới của những người thất bại mím chặt sau khi cười. Đó là cách họ kiểm soát cảm giác chán nản, thất vọng”, David nhận xét. Nhóm nghiên cứu nhận thấy các vận động viên mù cũng thể hiện sự tức giận, buồn bã và khinh bỉ giống như người bình thường. Nhiều người mù có kiểu cười rất duyên ngay cả khi họ đang buồn bã, nhưng cũng có người nở được nụ cười "nhăn nhở" dù vui vẻ tột độ.
Theo David, tất cả những biểu hiện trên đều bị chi phối bởi gene di truyền. Nhiều nhà khoa học trước đó cũng cho rằng, nếu một bà mẹ sở hữu nụ cười hấp dẫn thì những đứa con gái hoặc thậm chí cả con trai người đó có xu hướng thừa hưởng nét quyến rũ này.
David thì đưa ra kết luận sâu xa hơn: "Tôi nghĩ các cảm xúc của chúng ta, cùng với cơ chế điều khiển chúng là vết tích mà tổ tiên đã để lại trong quá trình tiến hóa. Khi trải qua cảm xúc tiêu cực, miệng chúng ta khép lại theo bản năng để chúng ta không thể la hét, cắn hay chửi thề".
Chuyên gia tâm lý này từng tiến hành một nghiên cứu về cách thể hiện sự kiêu hãnh của vận động viên khi giành chiến thắng, bằng cách quan sát người sáng mắt và người mù. Ông nhận thấy vận động viên mù cũng thể hiện lòng tự hào giống như người thường - ngẩng cao đầu và ưỡn ngực khi đứng trên bục nhận huy chương.