Núi lửa Alaska "thức giấc" sau 800 năm ngủ yên
Núi lửa Edgecumbe không hoạt động trong ít nhất 800 năm qua nhưng một loạt trận động đất trong vùng hé lộ ngọn núi có thể đang "thức giấc".
Nghiên cứu do Đài quan sát núi lửa Alaska hợp tác tiến hành cùng Cơ sở vệ tinh Alaska sử dụng mô hình toán dựa trên ảnh vệ tinh để xác định sự gia tăng hoạt động địa chất gần đây quanh núi lửa Edgecumbe do magma sâu bên dưới bề mặt Trái đất phun thẳng lên, Newsweek hôm 27/10 đưa tin.
Núi lửa Edgecumbe ở Sitka, Alaska. (Ảnh: KCAW).
David Pyle, nhà núi lửa học ở Đại học Oxford, giải thích khi magma dịch chuyển, nó có thể chảy dọc các vết nứt, hoặc hình thành một bể rộng dưới lòng đất. Cả hai quá trình đều có thể gây ra động đất nhỏ. Địa chấn kế có thể phát hiện rung động rất nhỏ, nhỏ hơn mức con người nhận thức được.
Trong khi magma tiến lên gần mặt đất, nó cũng khiến mặt đất phình lên như quả bóng. Thiết bị radar vệ tinh là công cụ rất quan trọng đối với theo dõi núi lửa. Chúng có thể đo thay đổi cực nhỏ trong hình dáng mặt đất. Các nhà nghiên cứu có thể kết hợp dữ liệu này với vị trí động đất để xác định hình dạng 3 chiều của khối magma trong lòng đất.
Mỹ có nhiều núi lửa hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, phần lớn nằm ở Alaska. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính có 161 núi lửa đang hoạt động trên cả nước, dù chỉ có 42 núi lửa hoạt động trong 70 năm qua. Núi lửa Edgecumbe hoạt động lần cuối cách đây 800 năm. Nhưng theo bằng chứng địa chất, vụ phun trào lớn gần nhất của ngọn núi là khoảng 4.500 năm trước.
Theo Pyle, phần lớn núi lửa có chu kỳ vòng đời kéo dài hàng trăm nghìn năm. Trong suốt thời gian này, chúng có thể phun trào khi magma dâng lên từ lòng đất sâu và tới bề mặt. Sau đó, chúng có thể ngủ yên giữa những lần phun trào trong lúc magma nguội đi. Pyle cho biết trong 20 năm qua, có nhiều ví dụ về việc các nhà khoa học kết hợp ảnh vệ tinh và hoạt động địa chấn để theo dõi magma bên dưới núi lửa. Trong phần lớn trường hợp, sự náo động giảm dần sau vài tuần hoặc vài tháng mà không có vụ phun trào nào.