Ong mật "nghiện" thuốc trừ sâu?
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tự nhiên (Nature) của Anh ngày 22/4, giống như chất nicotine gây nghiện cho người, các loại thuốc trừ sâu dường như cũng có khả năng "gây nghiện" đối với loài ong. Loài côn trùng có cánh thường kiếm tìm nguồn thức ăn nhiễm thuốc trừ sâu, thậm chí có hại cho chúng.
- Ong mật giúp tìm cách phục hồi bệnh nhân hôn mê
- Ong mật quên đường về tổ vì thuốc trừ sâu
Các nhà khoa học Anh phát hiện ong mật "nghiện" thuốc trừ sâu
Qua theo dõi hành vi của hàng trăm con ong nghệ và hàng nghìn con ong mật, các nhà khoa học thuộc Đại học Newcastle (Anh) nhận thấy không những loài ong không né tránh các thực phẩm ngấm chất neonicotinoid trong thuốc trừ sâu, mà chúng còn tỏ ra khá thích thú với chất gây nghiện này.
Ong có vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp. (Nguồn: miriadna.com)
Hơn nữa, chúng còn thích ăn cả những thực phẩm có nhiễm thuốc trừ sâu có chứa chất neonicotinoid. Chất này được tổng hợp trong phòng thí nghiệm dựa trên cấu trúc hóa học của nicotine và thường được sử dụng rộng rãi để bảo quản hạt giống khỏi sâu bệnh có hại, cũng như có chứa chất kích thích để các loại hạt này phát triển, cho mùa màng bội thu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Thụy Điển lại đưa ra bằng chứng cho thấy nguy cơ tiềm ẩn mà neonicotinoid có thể gây hại cho một số loài ong. Đó là do hợp chất này chứa 3 chất có hại gồm clothianidin, imidacloprid và thiamethoxam.
Bằng cách gieo 8 luống hạt giống đã được xử lý qua clothianidin và 8 luống khác không qua xử lý bằng chất này, các nhà khoa học nhận thấy hầu hết loài ong nghệ bay qua khu vực đã được xử lý đều không thể phát triển, trái ngược với kết quả thu được từ những con ong bay qua các luống không có chất này. Trong khi đó, loài ong mật không hề bị ảnh hưởng bởi clothianidin.
Trước đó, một nghiên cứu về chất neonicotinoid cho thấy nó có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, gây bất lợi cho chức năng sinh tồn, cũng như khả năng thụ phấn của loài ong.
Trong thời gian qua, loài ong tại châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực khác cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi một hiện tượng được gọi là “xáo trộn cấu trúc bầy đàn.” Hiện tượng này được cho là xuất phát từ nguyên nhân bọ ve, một loài virus hoặc nấm, thuốc trừ sâu hoặc tất cả các yếu tố này gây ra.
Loài ong hiện thụ phấn tới 80% trong tổng số loài thực vật được côn trùng thụ phấn, giúp làm lợi cho thế giới mỗi năm ít nhất khoảng 153 tỷ USD. Tuy nhiên, do các nhà khoa học, các nhà môi trường và các nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp hiện chưa xác định được tính an toàn của chất neonicotinoid đối với loài ong nên Ủy ban châu Âu (EC) đã tạm thời hạn chế trồng các loại thực vật thu hút loài côn trùng này trong vòng hai năm kể từ ngày 1/12/2013./.